Sáng 6-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe các bộ ngành báo cáo về công tác chuẩn bị cho hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp.
Hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 9-5 sẽ được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tổng số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu; với truyền hình trực tiếp thì khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các phát biểu tại sự kiện được xem như “hội nghị Diên Hồng” này cần đi thẳng vào vấn đề, đề xuất, hiến kế cho Thủ tướng. Hội nghị sẽ là dịp để khơi dậy tinh thần, truyền đi thông điệp, chung sức đồng lòng để vươn lên bứt phá. Sau hội nghị, dự kiến Chính phủ sẽ có một nghị quyết hoặc chương trình hành động về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiện nay, chuẩn bị cho hội nghị, một số bộ ngành đã tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội thuộc ngành mình để xử lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà cần phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Hội nghị cũng tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển, nên ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng; phải tạo khí thế mới để đóng góp cho sự phát triển.
“Hội nghị phải thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm trong điều kiện mới, như lò xo bị nén lại trong mấy tháng qua, giờ bật lên để phát triển, có chí thì nên chứ không bàn lùi, than nghèo, kể khổ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành, Thủ tướng cho rằng, hội nghị này có thể đưa ra thêm các vấn đề để hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ như thị trường mới, lao động, tín dụng, thuế phí… Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về các tấm gương vượt khó để phát triển, bởi thực tế “có những doanh nghiệp của thương binh, của người khuyết tật khó khăn nhưng vẫn cố gắng giữ lao động”. Thủ tướng yêu cầu do đây là hội nghị có quy mô lớn chưa từng có, các cơ quan liên quan có trách nhiệm cần tổ chức một cách tốt nhất.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 5-5, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo Nghị quyết nêu 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chi tiết được phân theo thẩm quyền: nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết nghị ngay; nhóm giải pháp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định; và nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ quyết nghị chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện ngay trong phạm vi chức năng, thẩm quyền.
Theo dự thảo, Chính phủ quyết nghị thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá…,
Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam… Cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.
Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%, vùng Đồng bằng sông Hồng, Miền trung có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất. |