Chủ đề của hội nghị lần này là các TP và cộng đồng bền vững để thúc đẩy thực hiện mục tiêu thứ 11 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc được đưa ra vào năm 2015. Hội nghị do chính quyền TP Fukuoka phối hợp cùng Chương trình định cư của Liên Hiệp Quốc (UN - Habitat) tổ chức.
Trong khuôn khổ Hội nghị, ngày 2-8, Đoàn đã có cuộc gặp gỡ với ông Takashima Soichiro, Thị trưởng Thành phố Fukuoka, Nhật Bản và ông Vitaly Verkeyenko, Thị trưởng Thành phố Vladivostok, Nga.
Theo thống kê, 97% các TP ở các quốc gia đang phát triển có chất lượng không khí không đạt tiêu chuẩn. Các thành phố cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các công cụ kiểm soát quá trình đô thị hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu ở khắp quốc gia, TP.
Bên cạnh đó, ở từng địa phương cần phải có sự phối hợp về việc phân tích, lưu trữ, sử dụng các dữ liệu của các địa phương; thiết lập mối quan hệ của các bên liên quan với các chính sách tổng hợp để người dân có thể tiếp cận, huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc ứng phó với thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu qua những việc hết sức cụ thể, tác động trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân.
Tham dự với tư cách đại diện cho doanh nghiệp, ông Nakakita Kojin, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Hitachi, kiêm Chủ tịch Hitachi châu Á chia sẻ khái niệm TP sáng tạo ICT. Đó là một TP phát triển năng động và có khả năng thích ứng ứng phó với các thách thức cao nơi mọi người có được cuộc sống chất lượng cao.
Ông cũng chia sẻ, một xã hội bền vững - xã hội 5.0 là nơi mà mọi người có thể sống một cuộc sống thịnh vượng và thoải mái trong tất cả các lĩnh vực từ chăm sóc y tế, có khả năng di động cao cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và kể cả tài chính.
Trong khi đó, ông Arima Toshio, Chủ tịch Mạng lưới Tác động Toàn cầu Nhật Bản, tập đoàn Hitachi đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR. Đây là điều cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện.
Ông đã nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa giá trị kinh tế và giá trị xã hội. Điều đó có nghĩa rằng, trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm và cung cấp các dịch vụ, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến việc tạo ra các giá trị kinh tế cho sản phẩm và dịch vụ của mình, mà còn phải quan tâm đến các giá trị về mặt xã hội mà các sản phẩm dịch vụ đó có thể đem lại cho người tiêu dùng. Tất cả các bên liên quan, trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ, tạo ra sản phẩm, lợi nhuận cho doanh nghiệp, cần có sự quan tâm đúng mức để đem lại những giá trị cho các công trình phục vụ xã hội. Các doanh nghiệp cần phải hoạt động để hướng đến nền kinh tế thị trường nhưng mang tính nhân văn.