Hội nghị thượng đỉnh châu Âu bàn nhiều chuyện “nóng”

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày (21 và 22-3) tập trung thảo luận về các vấn đề cấp bách hiện nay như đẩy nhanh viện trợ cho Ukraine; xây dựng chiến lược phòng thủ chung cho châu Âu; tình hình nhân đạo tại Gaza; chuẩn bị cho việc mở rộng liên minh...

Thay đổi nhận thức

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tăng tốc mua sắm và chuyển giao đạn dược cho Ukraine. Ông Michel kêu gọi các quốc gia thành viên EU chuyển sang chế độ “kinh tế chiến tranh” cùng với ý thức rằng châu Âu phải hành động một mình, ít nhất là vào lúc này, khi hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn bị chặn tại Quốc hội Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét đề nghị của ông Michel về việc sử dụng hàng tỷ USD lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để mua thêm vũ khí cho Ukraine.

Trong khi đó, nhiều thành viên EU đã ký một lá thư kêu gọi Ngân hàng Đầu tư châu Âu thay đổi chính sách đầu tư quốc phòng, cho phép mua các mặt hàng như đạn dược và vũ khí. Đầu tuần này, Brussels đã phê duyệt thêm 5,4 tỷ USD để hỗ trợ quân đội Ukraine. Nhiều quốc gia châu Âu cũng chấp thuận sáng kiến của Czech để mua đạn pháo cho Ukraine bên ngoài khối EU như một giải pháp thay thế cho nền sản xuất đang tụt hậu của khối.

V8c.jpg
Nông dân Ba Lan biểu tình phản đối chính sách nông nghiệp của EU. Ảnh: REUTERS

Những lời kêu gọi tăng cường mạnh mẽ khả năng sẵn sàng phòng thủ của châu Âu đã xuất hiện lâu nay. Nhà phân tích người Pháp Francois Heisbourg cho rằng, châu Âu phải tăng cường chi tiêu chung lên 3% GDP/năm vào năm 2030 để chuẩn bị cho những xung đột tiềm tàng cũng như tạo mối quan hệ “giao hảo” hơn với Washington cho dù ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Nghịch lý nông nghiệp

Lĩnh vực nông nghiệp tạo ra chưa đầy 2% GDP của châu Âu nhưng các khoản trợ cấp cho ngành này lại chiếm tới 1/3 ngân sách của EU. Nghịch lý này theo Piero Graglia, giáo sư lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Milan (Italy), có nguồn gốc sâu xa.

Kể từ sau Thế chiến thứ II, nông nghiệp luôn là lĩnh vực chiến lược của EU. Năm 2021, mỗi nhân công trong lĩnh vực nông nghiệp khai báo thu nhập trung bình gần 29.000 EUR/năm. So với năm 2013, thu nhập trung bình của nông dân tăng 56% (nhiều hơn mức tăng trung bình của các ngành khác).

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu công bố tháng 11-2023, thu nhập của nông dân tăng dần do năng suất được cải thiện. Số liệu về ngoại thương cho thấy, về tổng thể EU xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Năm 2022, các nước EU nhập khẩu 196 tỷ EUR nông sản trong khi xuất khẩu 229 tỷ EUR, xuất siêu 33 tỷ EUR.

Thời gian gần đây, một trong những chủ đề gây tranh cãi lớn nhất trong các cuộc biểu tình của nông dân liên quan đến chính sách bảo vệ môi trường của châu Âu, mà những người biểu tình cho là quá cứng nhắc. Nổi bật là việc EU áp đặt tỷ lệ bắt buộc 4% diện tích đất bỏ hoang để tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học.

Quy định này đáng lẽ phải có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 nhưng do bị nông dân phản đối, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một ngoại lệ, cho phép nông dân trồng các loại cây có tác động môi trường thấp như đậu tằm, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan trên phần đất lẽ ra không được phép canh tác. Điều này cần phải được Hội đồng châu Âu, nơi quy tụ các bộ trưởng có thẩm quyền của 27 quốc gia thành viên, chấp thuận.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc mở rộng EU, sự phối hợp và quản lý chặt chẽ các chính sách kinh tế vĩ mô… Ông Michel cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bắn tại Dải Gaza để bảo vệ dân thường, cho phép các con tin trở về an toàn và đảm bảo khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo khi cần thiết; tăng cường nỗ lực ngăn chặn leo thang tại khu vực, đặc biệt là ở Lebanon và Biển Đỏ.

Tin cùng chuyên mục