Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) - Thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác

Hợp tác giải quyết căng thẳng
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) - Thu hẹp bất đồng, tăng cường hợp tác

Ngày 20-11, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN cùng các đối tác đối thoại. Đúng như thông tin báo chí đưa ra trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu vấn đề biển Đông ra trước hội nghị và kêu gọi các nước hạ nhiệt căng thẳng trong vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại EAS.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại EAS.

Chiều 20-11, phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị EAS lần thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và những tiến triển hợp tác EAS trong thời gian qua, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, tài chính, môi trường, quản lý thiên tai, giáo dục, y tế và bệnh dịch và triển khai kết nối ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông; đồng thời đề nghị các nước ủng hộ ASEAN-Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông nhằm bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật biển  (UNCLOS) 1982, bao gồm việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, vì hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và thịnh vượng ở khu vực.

Hợp tác giải quyết căng thẳng

Ông Obama đã thúc giục các nhà lãnh đạo châu Á giảm căng thẳng trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông và một số khu vực khác. Theo ông Obama, Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự phát triển ổn định toàn cầu. Vì vậy, Mỹ sẽ nỗ lực hợp tác với Trung Quốc cũng như châu Á để đạt được mục đích này. Hãng tin Reuters mô tả rằng trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ đã dừng lại một chút nhấn mạnh sự ủng hộ Nhật Bản, Philippines và Việt Nam trong các tranh chấp với Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng: “Không có lý do gì để căng thẳng gia tăng-cụ thể như trường hợp Nhật Bản-Trung Quốc, cần cùng nhau hợp tác để giải quyết. Chúng tôi tiếp tục muốn được chứng kiến những nỗ lực ngoại giao. ASEAN cần phải đối thoại với Trung Quốc về COC”.

Một số tờ báo phương Tây nhận định vấn đề về biển Đông tại EAS lần này không thật sự nóng bởi những căng thẳng vào thời điểm hiện nay đã có phần lắng xuống. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tuân thủ  DOC. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm hiện nay, thúc đẩy hợp tác về thương mại giữa các nước mới thực sự là vấn đề được quan tâm.

Mỹ muốn mở rộng TPP

Tổng thống Mỹ Obama và lãnh đạo các nước ASEAN đã bắt đầu thảo luận về sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Mục đích chính trong sáng kiến nói trên-có tên gọi Cam kết mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ-ASEAN, là nhằm tạo điều kiện để các nước châu Á tiến tới tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 10 quốc gia ASEAN và khu vực Tây bán cầu. Các nước tham gia sáng kiến sẽ đàm phán về đơn giản hóa các thủ tục thuế quan, cùng bảo vệ giới đầu tư và những nguyên tắc ứng xử trong thương mại.

Mỹ muốn mở rộng TPP tới Campuchia, Lào và Myanmar, là những nước thành viên ASEAN không tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong một tuyên bố, Nhà Trắng khẳng định ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của nước này. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của ASEAN đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Theo giới phân tích, bằng việc xúc tiến mở rộng TPP, Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực kinh tế phát triển năng động này, đặc biệt khi các nước Đông Nam Á và một số nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang xúc tiến thành lập đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục