Hội nghị thượng đỉnh EU: Tìm giải pháp ứng phó khủng hoảng năng lượng

Ngày 21-10, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại thủ đô Brussels (Bỉ). Trọng tâm hội nghị là những vấn đề quan trọng hiện nay như giá năng lượng, dịch Covid-19, chuyển đổi số, di cư. 
591 triệu chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 đã được phát hành trên toàn EU
591 triệu chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 đã được phát hành trên toàn EU

Tăng giám sát thị trường khí đốt 

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong phiên làm việc đầu tiên, hội nghị tập trung giải quyết tình trạng tăng giá năng lượng hiện nay đang thách thức sự phục hồi sau đại dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp. Dựa trên thông tin của Ủy ban châu Âu (EC), các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ xem xét những gì có thể được thực hiện ở cấp độ quốc gia và EU, cả về hỗ trợ ngắn hạn cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng như các biện pháp cho trung và dài hạn. 

EU đang phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể của giá khí đốt, dẫn đến chi phí điện tăng. Vài tuần qua, giá năng lượng tại các nước châu Âu đang tăng vọt dẫn đến bất đồng giữa một số quốc gia thành viên. Tây Ban Nha yêu cầu các thành viên EU ký hợp đồng mua chung, nhưng các nước Tây Bắc Âu không hưởng ứng, vì cho rằng vấn đề chính là do EU không có những hợp đồng dài hạn và tình trạng giá năng lượng tăng vọt là vấn đề nhất thời. Các nước Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg cho rằng giá năng lượng sẽ tự điều chỉnh vào mùa xuân tới.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, EC sẽ tăng cường giám sát thị trường khí đốt và than nội khối EU nhằm chấm dứt tình trạng đầu cơ thị trường năng lượng. EC đã yêu cầu các Cơ quan Hợp tác quản lý năng lượng châu Âu (ACER) đánh giá ngay hệ thống trong thời gian từ nay đến tháng 11. Để đảm bảo ổn định năng lượng, EU đang tích cực liên hệ với các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó Na Uy hiện cam kết sẽ tăng thêm nguồn cung. Bà Ursula von der Leyen đề xuất EU nên tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo, bởi đây sẽ là chính sách bảo hiểm chống lại việc tăng giá và giúp phá vỡ sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống.

Thúc đẩy chuyển đổi số 

Về vấn đề dịch Covid-19, nhiều lãnh đạo EU nhìn nhận đại dịch vẫn chưa kết thúc và một số quốc gia thành viên đang ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh. Tiêm chủng đã mang lại tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống lại Covid-19 nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa, đặc biệt là liên quan đến việc do dự và thông tin sai lệch về vaccine. Ban điều hành EU nhấn mạnh sẽ dựa trên sự đoàn kết quốc tế để đảm bảo cung cấp vaccine một cách nhanh chóng đến các quốc gia có nhu cầu nhất. 

Các nhà lãnh đạo EU sẽ có một cuộc thảo luận chiến lược về thương mại. Một chủ đề khác là kế hoạch chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh quan trọng sắp tới như Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26 và COP 15 về đa dạng sinh học. EU đang cần một phản ứng toàn cầu đầy tham vọng đối với biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26. Tuy nhiên, đây cũng có thể là chủ đề tạo ra nhiều tranh cãi trong nội bộ EU khi một số nước thành viên, như Ba Lan, đang yêu cầu EU xem lại kế hoạch về khí hậu quá tham vọng của khối này. Do lo ngại kế hoạch này sẽ tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế và người tiêu dùng các nước.

Bên cạnh vấn đề di cư và biên giới bên ngoài EU, hội nghị cũng tập trung thảo luận chuyển đổi kỹ thuật số, yếu tố được xem là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng khả năng cạnh tranh. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hội nghị dự kiến cung cấp hướng dẫn bổ sung về chương trình nghị sự kỹ thuật số, bao gồm an ninh mạng và kết nối, đồng thời tạo động lực chính trị để thực hiện các đề xuất và sáng kiến hiện tại và trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục