Hồi nhỏ ăn bánh ú

C.T.
Hồi nhỏ ăn bánh ú

1. Có lẽ bất cứ đứa bé miền Trung nào cũng biết cái bánh ú. Trong các loại bánh gói lá, ngoài bánh ú thôn quê Quảng Nam còn có bánh tét, bánh ít lá gai, bánh ít trắng nhưng bánh ú là loại bánh phổ biến nhất.

Ảnh: C.T.

Ảnh: C.T.

Bánh tét chỉ xuất hiện những ngày tết, bánh ít lá gai và bánh ít trắng hồi nhỏ tôi ít có dịp “tiếp xúc”, chỉ được ăn trong các dịp cưới hỏi, giỗ kỵ hoặc khách ở xa đem biếu khi đến chơi nhà.

Chỉ có bánh ú là tôi nhìn thấy quanh năm trên các thúng mủng ngoài chợ hoặc treo lủng lẳng từng chùm dăm, bảy cái trên cây sào tre vắt ngang cửa những tiệm tạp hóa nhỏ dọc đường làng. Gọi là tiệm tạp hóa, thực ra đó chỉ là những túp lều tranh đơn sơ, chỉ treo trên sào chùm bánh ú, vài nải chuối và bày trên chiếc giá đỡ mộc mạc vài chai nước tương, dầu phộng, rổ trứng, rổ khoai lang, khoai mì luộc cùng dăm hũ bánh kẹo xanh xanh đỏ đỏ.

Đó là những quán nghèo ở thôn quê. So với các tiệm bánh kẹo bề thế lộng lẫy ở thành phố, những cái quán mái tranh vách lá quen thuộc của tuổi thơ tôi nom giống như những người họ hàng quanh năm túng thiếu. Thế nhưng đó là nơi chốn cực kỳ hấp dẫn trẻ con chúng tôi.

2. Tôi nhớ hồi học cấp 1, sáng nào được mẹ cho tiền, mấy anh em tôi lập tức nôn nao chạy vù ra cái quán nhỏ nằm ngay ngã ba xuống chợ để mua bánh ú. Mỗi đứa cầm tờ giấy bạc vừa được phát tranh nhau chạy. Chẳng đứa nào chịu nhờ đứa nào mua giùm, chỉ háo hức muốn tự tay mình chìa tờ giấy bạc ra trước mặt bà hàng, sung sướng nói như reo: “Bà bán cho con cái bánh ú”, rồi môi giần giật, tay run run đón lấy cái bánh, mắt ngời lên niềm hạnh phúc vô biên.

Có đứa đểnh đoảng, tay cầm không chặt, cắm đầu cắm cổ chạy đến nơi phát hiện tờ bạc rơi mất dọc đường từ hồi nào, hốt hoảng chạy ngược trở lại tìm. Tìm không thấy liền òa ra khóc. Năm, sáu đứa khác tội nghiệp, mỗi đứa chìa cái bánh của mình cho đứa bỗng chốc thành kẻ trắng tay kia cắn một miếng cho đỡ thèm. Thôn quê thuở xưa nhà nào cũng đông con. Nên cắn một vòng tính ra cũng gần như ăn được nguyên cái bánh. Chỉ có điều không đứa nào cho đứa kia đụng vô cục nhân đậu xanh nằm chính giữa.

3. Bánh ú làm bằng gạo nếp, có hình bốn góc. Khi gói bánh, xếp chồng ba, bốn miếng lá chuối quấn thành hình loa kèn, cho nếp và nhân vào, thổ nhẹ cho tất cả xuống đều rồi xếp lá cạnh đáy lại đan vào nhau cho thật kín, sau đó dùng dây ràng theo hình chữ thập cho chặt. Cuối cùng, xâu lại thành từng chùm chín, mười cái trước khi nấu. Bánh ú miền Nam thường cột bằng dây ni lông hay dây gai, cột vừa tay nên cái bánh có hình tháp. Bánh ú miền Trung nhỏ hơn, cột bằng dây lạt, thường thít chặt, cái bánh nhìn từa tựa ngôi sao bốn cánh.

Về nhân, bánh ú miền Trung và bánh ú miền Nam cũng khác. Bánh ú quê tôi chỉ có nhân đậu xanh. Bánh ú miền Nam có thêm thịt, mỡ, nước dừa, đậu đỏ, khi cao hứng cải biên có thể thêm vào bất cứ thứ gì khoái khẩu: trứng, tôm khô, lạp xưởng...

Vì lý do đó, cục nhân đậu xanh trở thành thứ quý giá, thứ ngon nhất trong cái bánh ú của trẻ con quê tôi. Ăn bánh ú, nhiều đứa thích ăn vòng quanh các góc nhọn trước, chừa cục nhân lại ăn sau cùng, đồng thời có dịp chìa thứ quý giá đó vào mắt những đứa lỡ ăn xong trước để chọc cho đối phương thèm. Cái trò chọc tức đó đứa nào cũng thích, nhưng cố bắt mình ăn nhín lại trong khi miệng đang thèm bụng đang đói không phải đứa trẻ nào cũng làm được.

Cục nhân quan trọng như vậy nên ngay cả khi “làm từ thiện” cho đứa rơi tiền khốn khổ, mấy đứa anh đứa em tay chìa bánh, miệng vẫn không quên nhắc chằm chặp: “Chỉ được cắn cái góc thôi nhé!”. Có đứa cẩn thận khum bàn tay che kín cái bánh, chỉ chừa cái góc nhọn ra ngoài. Nạn nhân tội nghiệp có khi thèm quá, cố ngoạm sâu hơn, cắn cả vào tay đứa kia khiến thằng này thét be be: “Aaaaaa... Đồ tồi. Mai mốt tao không cho mày ăn nữa”.

4. Cũng như bánh ít, bánh tét, bánh nổ, bánh nện ở Quảng Nam - bánh ú, một tên gọi thật nôm na. Có nhiều loại bánh được các bậc cha mẹ dùng đặt tên con như bánh cam, bánh phục linh, bánh bông lan. Nhưng bánh ú thì tuyệt nhiên không ai đủ can đảm gán tên cho con mình, nhất là con gái nếu không muốn lớn lên đứa con sẽ lằm bằm oán trách.

Thế nhưng, bánh ú với hình dáng đặc biệt của mình lại được dùng để gán tên cho nhiều thứ khác, chẳng hạn như lồng đèn bánh ú. Cả lãnh vực “trí thức cao sang” như thư từ, bánh ú cũng hiện diện: người ta gọi những lá thư xếp lồng vào nhau là... thư xếp hình bánh ú.

Thì ra số phận một thứ bánh cũng na ná như số phận đời người. Cái bánh ú ít được nhắc tới, trong khi từ phái sinh như “lồng đèn bánh ú” thì năm nào cứ đến dịp Trung thu lại thấy nhan nhản trên báo đài.

Tất nhiên, có thể làm khai sinh lại cho cái bánh ú với tên mới “cái bánh hình ngôi sao” như hình dáng của nó, nhưng cái tên văn hoa đó lại hoàn toàn không phù hợp với cuộc đời dân dã của cái bánh bốn góc này. Ngôi sao chỉ lung linh trên trời trong khi tên gọi bánh ú mãi mãi lung linh trong tâm khảm của bất cứ người nào lớn lên từ làng quê miền Trung hay miền Nam - điều không phải thứ bánh “sang trọng” nào cũng có thể làm được.

Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục