Những bước phát triển nhảy vọt về ghép tạng

Hồi sinh những cuộc đời!

Từ những năm 1990 trở về trước, “ghép tạng” vẫn vô cùng xa vời đối với ngành y tế Việt Nam. Nhưng bắt đầu từ năm 1992 trở lại đây, thuật ngữ đó ngày càng trở nên quen thuộc đối với không chỉ cán bộ, nhân viên ngành y tế mà đối với bất cứ người dân Việt Nam nào. Năm 1992 là thời điểm đánh dấu mốc son của nền y học Việt Nam: thực hiện kỹ thuật ghép tạng, và chỉ hơn 10 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến thật ấn tượng… 
Hồi sinh những cuộc đời!

Từ những năm 1990 trở về trước, “ghép tạng” vẫn vô cùng xa vời đối với ngành y tế Việt Nam. Nhưng bắt đầu từ năm 1992 trở lại đây, thuật ngữ đó ngày càng trở nên quen thuộc đối với không chỉ cán bộ, nhân viên ngành y tế mà đối với bất cứ người dân Việt Nam nào. Năm 1992 là thời điểm đánh dấu mốc son của nền y học Việt Nam: thực hiện kỹ thuật ghép tạng, và chỉ hơn 10 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến thật ấn tượng… 

  • 160 ca ghép thận và 3 ca ghép gan 
Hồi sinh những cuộc đời! ảnh 1

Một ca phẫu thật. Ảnh M.H

Theo Bộ Y tế, kể từ ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6-1992 tại Học viện Quân y 103, đến nay, Việt Nam đã có gần 180 người được ghép thận, gan với tỷ lệ thành công ngày càng cao. Hiện nay, Bộ Y tế đã chính thức công nhận 8 bệnh viện (BV) đủ khả năng thực hiện ghép thận, ghép tủy, trong đó có các BV hàng đầu như BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định (TPHCM), BV Nhi TƯ, Học viện Quân y 103… 3 cơ sở y tế là Học viện Quân y 103, BV Nhi TƯ và BV Nhi đồng 2 (TPHCM) đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép gan do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Riêng đối với ghép gan, kể từ ca ghép gan đầu tiên là cháu Nguyễn Thị Diệp, tại Học viện Quân y 103 (vào 31-1-2004) đến nay, Việt Nam đã có thêm 2 trường hợp trẻ được ghép gan thành công, một ca được thực hiện tại BV Nhi TƯ (ngày 2-7-2005) và một ca ở BV Nhi đồng 2, TPHCM (tháng 12-2005). Đó là chưa kể, việc cấy ghép các mô tạng khác như ghép tế bào gốc tạo máu cũng đã được thực hiện. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có một số cơ sở y tế thực hiện được việc ghép giác mạc với tỷ lệ thành công cao.

“Có thể nói, những thành tựu về ghép tạng đã tạo nên thành tích nổi bật của hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam, mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế, hội nhập và sánh ngang với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, giải quyết nhu cầu điều trị tại chỗ của nhân dân và giảm việc phải ra nước ngoài điều trị tốn kém”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.

 “Tiếng lành đồn xa”, sự trưởng thành của ngành ghép tạng Việt Nam không những chỉ làm yên lòng những bệnh nhân Việt Nam mà còn tạo uy tín đối với một số bệnh nhân người nước ngoài. PGS-TS Lê Trung Hải, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật bụng (Học viện Quân y 103) cho biết, năm 2005, học viện đã lên kế hoạch ghép thận cho một bệnh nhân người nước ngoài. Đó là bác sĩ La Commare Antonio, 54 tuổi quốc tịch Italia. Bệnh nhân này bị thận đa nang dẫn tới suy thận. Tuy nhiên, do nguồn cho tạng có vấn đề nên ca ghép này vẫn chưa được tiến hành, chuyển sang năm 2006.  

  • Năm 2006: sẽ ghi  dấu ấn mới? 

Những ngày đầu năm 2006, ngành ghép tạng Việt Nam lại có thêm một niềm vui khi BV Bạch Mai (Hà Nội) công bố đã ghép thành công ca ghép thận đầu tiên. Như vậy, đến thời điểm này cả nước đã có tất cả 9 BV đủ điều kiện để tiến hành việc ghép tạng, đáng nói hơn kỹ thuật ghép tạng đã trở thành một kỹ thuật thường quy ở các BV trên. Riêng đối với kỹ thuật ghép gan, mặc dù phức tạp hơn rất nhiều nhưng thừa thắng xông lên, sau khi tiến hành thành công ca ghép gan đầu tiên, cả 3 đơn vị là Học viện 103, BV Nhi TƯ, BV Nhi đồng 2 đều hạ quyết tâm thực hiện các ca ghép gan khác trong năm 2006 này.

Trong đó, BV Nhi đồng 2 sẽ ghép gan ca thứ 2 vào tháng 3-2006, còn BV Nhi TƯ cũng cho biết sẽ ghép từ 1-2 ca trong năm nay. Đặc biệt, BV Nhi TƯ đã thông báo một tin vui: sẽ tiến hành ca ghép tủy xương tế bào gốc đầu tiên, đồng thời bắt đầu nghiên cứu ghép các tế bào phôi gan trong điều trị các bệnh về chuyển hóa gan do di truyền. Như vậy, nếu thành công, năm 2006 sẽ tiếp tục là năm ghi dấu ấn của ngành ghép tạng.
 
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ, một trong những người trực tiếp thực hiện các ca ghép tạng ở BV Nhi TƯ cho biết, ghép tạng Việt Nam đi sau nhiều nước nhưng đã bứt phá trước nhiều nước. Hiện nay, các kỹ thuật cao nhất trong ghép tạng đã được ứng dụng ở Việt Nam như phẫu thuật nội soi, kỹ thuật vi phẫu, nhất là vi phẫu trong nối đường mật, ghép tạng cho người không cùng huyết thống…

Có được điều này là nhờ trên 90% trang thiết bị dành cho ghép tạng đã được các BV trang bị; trình độ của các bác sĩ cũng đã được củng cố hơn rất nhiều. Các kỹ thuật về gây mê, hồi sức, phẫu thuật (cắt tạng bệnh lý, ghép tạng), vi phẫu (nối tĩnh mạch, động mạch, đường mật…) các bác sĩ Việt Nam đều đã tiến bộ. Vẫn theo ông Nguyễn Thanh Liêm, giờ đây, kỹ thuật ghép tạng đã được tiến hành thường quy ở Việt Nam và chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, các bác sĩ Việt Nam sẽ tự đảm đương những kỹ thuật ghép tạng phức tạp (ghép gan) mà không cần phải nhờ đến các chuyên gia người nước ngoài như hiện nay.
 
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn tính cần được ghép thận; chỉ riêng tại 5 BV lớn đã có 1.500 người được chỉ định ghép gan; số bệnh nhân ghép giác mạc khoảng 5.000 người… Nghĩa là nhu cầu rất lớn. Kỹ thuật đã được bảo đảm.

Nhưng vấn đề khó khăn của ghép tạng Việt Nam hiện nay vẫn là nguồn cho tạng và kinh phí để ghép. Vì vậy, ngành y tế hiện nay đang “đỏ mắt” đợi Quốc hội thông qua Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (trong đó cho phép được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người).

Pháp lệnh này ra đời sẽ mở ra một trang mới cho lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam, đưa lại cơ hội sống, phát triển bình thường cho hàng ngàn người bệnh đang ngày đêm hy vọng  

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục