Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh, nghệ thuật sân khấu Dù kê là loại hình kịch hát độc đáo của cộng đồng người Khmer Nam bộ; đây là kết quả của tinh thần sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật...
Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, đã được công chúng trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đón nhận; đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer Nam bộ.
Trải qua khoảng 1 thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê có những đóng góp trên nhiều phương diện, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân; tạo nên sự đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống. Với giá trị và đóng góp trên, năm 1985, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp. Năm 2014, nghệ thuật sân khấu Dù kê được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia...
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do sự thay đổi về nhu cầu giải trí của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, nên nghệ thuật sân khấu Dù kê gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội ngày càng thưa dần; trong khi đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản; phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá hạn chế; việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn các vở diễn mới chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng…
Theo PGS-TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, những trăn trở, những vấn đề vừa nêu trên về nghệ thuật sân khấu Dù kê, ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các bậc tiền bối, các nghệ sĩ, nghệ nhân và các nhà quản lý. Trong thời gian ngắn phát hành thông báo hội thảo, đã có khoảng 40 tham luận của các cá nhân, tập thể đến từ nhiều đơn vị gửi đến như: Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, các nhà nghiên cứu gần xa…
Các tham luận đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn sân khấu Dù kê, cần có những hình thức phù hợp trong cộng đồng dân cư, nhất là giới trẻ người Khmer nhằm giúp họ hiểu biết nghệ thuật sân khấu Dù kê độc đáo của mình; các tỉnh tăng cường mở lớp truyền dạy nhằm tạo phong trào trong công chúng và phát hiện giới trẻ có năng khiếu, đam mê để tiếp tục đào tạo chính quy trong tương lai. Quan tâm đào tạo đội ngũ sáng tác, dàn dựng nghệ thuật sân khấu Dù kê. Tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê định kỳ ở cấp tỉnh, cấp khu vực, để các đoàn có điều kiện giao lưu, học tập lẫn nhau. Có kế hoạch mở trại sáng tác kịch bản sân khấu Dù kê, mở lớp bồi dưỡng cho diễn viên, nhạc công có điều kiện giao lưu và nâng cao tay nghề…
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu