Xung quanh việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thép hợp kim

Hồi tố không “xi-nhan”, doanh nghiệp dễ phá sản!

Hồi tố không “xi-nhan”, doanh nghiệp dễ phá sản!

(SGGP-12G).- Xuất phát từ khiếu nại của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc “một số công ty nhập khẩu thép lách luật để được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, gian lận thương mại làm Nhà nước thất thu thuế”, Bộ Tài chính mới đây đã quyết định điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với loại thép hợp kim (có chứa chất Bo). Liệu đây đã là giải pháp triệt để, nếu như đó thực sự là hành vi gian lận thương mại?  

Khi doanh nghiệp bị hồi tố

Ngày 17-3-2009, ông Vũ Thành Long, Giám đốc Công ty thép Thành Long có văn bản (số 54-09/STL) gửi Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung văn bản cho rằng, Thành Long đã bị “xử ép” khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định 123 nâng mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép hợp kim và “hồi tố”, truy thu thuế đối với lô hàng mà doanh nghiệp này đã nhập về trước thời điểm Quyết định 123 nêu trên có hiệu lực (theo quy định tại Quyết định 123 thì mặt hàng thép hợp kim mà Công ty Thành Long nhập về (có hàm lượng Bo >= 0,0008% thuộc mã hàng hóa 7227900010) có thuế nhập khẩu ưu đãi là 5% chứ không phải 0% như trước).

Cụ thể, quyết định 123 được Bộ Tài chính ký ngày 26-12-2008. Sau đó 22 ngày, ngày 18-1-2009, Quyết định này mới được đăng Công báo. Lẽ ra, sau 15 ngày đăng Công báo (tức là ngày 2-2-2009) nó mới chính thức có hiệu lực song trên thực tế, quy định này được áp dụng với các tờ khai mở từ ngày 1-1-2009. 11/17 tờ khai nhập khẩu của Thành Long “rơi” đúng vào tháng “éo le” này. 

Doanh nghiệp bị truy thu tới 5,6 tỷ đồng trong bối cảnh hàng hóa đã nhập khẩu, đã thông quan và đã... bán hết. Vị giám đốc công ty than thở: “Chính sách “cua gấp” thế này có thể đẩy doanh nghiệp đến chỗ phá sản”!

Sản xuất thép ở Nhà máy thép Phú Mỹ (Công ty thép Miền Nam). Ảnh: THÀNH TÂM

Sản xuất thép ở Nhà máy thép Phú Mỹ (Công ty thép Miền Nam). Ảnh: THÀNH TÂM

Liên quan đến vấn đề này, Điều 79, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (về hiệu lực trở về trước của VBQPPL) có quy định: “Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước” và “không được quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”.

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng, vẫn còn có cách hiểu khác nhau về một số quy định cụ thể hướng dẫn thi hành trong các văn bản, song về nguyên tắc, việc ban hành các văn bản (trong đó có các quy định hướng dẫn thực hiện) cần làm sao để doanh nghiệp thực hiện đúng, không đặt doanh nghiệp vào thế bất lợi.

Đề cập đến khái niệm “trường hợp thật sự cần thiết”, ông Trần Hữu Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, trong WTO có quy ước, các quy định dự định thực hiện phải được thông báo công khai trước khi thực hiện 60 ngày.

Sao chỉ chặn phần ngọn?

Tuy nhiên, vụ việc của Công ty Thành Long không dừng ở thiệt hại kinh tế. Cùng với một số doanh nghiệp nhập khẩu thép khác như Công ty Vĩnh Long (Hà Nội), Thành Long còn bị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cáo buộc có hành vi “lách luật, gian lận thương mại”.

VSA cho rằng, các công ty trên nhập thép có Bo để được hưởng thuế suất ưu đãi dành cho thép hợp kim (trước khi có Quyết định 123 là 0%, nay tăng lên 5%), sau đó bán ra cho người tiêu dùng sử dụng làm thép xây dựng thông thường (có thuế nhập khẩu tới 15%), tạo cạnh tranh không lành mạnh.

Điều “khó ăn khó nói” là ở chỗ, xét theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành thì loại thép mà Thành Long nhập về đúng là “thép hợp kim” nên đương nhiên được hưởng thuế suất ưu đãi. Vấn đề là tại sao thép hợp kim nhập về lại được phép sử dụng làm thép xây dựng thông thường?

Với công cụ thuế (tăng thuế nhập khẩu với thép có Bo lên thành 5%), hành vi “lách luật” này của doanh nghiệp, theo nhiều ý kiến, vẫn chưa được xử lý triệt để, bởi theo một chuyên gia về luyện kim, “chặn Bo thì doanh nghiệp có thể lại xoay qua nhập một loại thép trộn hàm lượng nhỏ chất khác, Mn hay Si chẳng hạn và vẫn được coi là thép hợp kim”.

Theo chuyên gia này, việc đầu tiên cần làm chính là sớm ban hành một tiêu chuẩn mới của Việt Nam phù hợp hơn về thép xây dựng để tránh tình trạng nhập thép hợp kim về làm thép xây dựng như đã nói ở trên.

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, người ta không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng chuyện lục đục giữa các doanh nghiệp nhập khẩu - sản xuất thép trong nước (một tỷ lệ rất lớn trong số này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cũng tương tự như chuyện của các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp ô tô trong nước. Vì sao thép nhập khẩu có chất lượng không thua kém thép sản xuất trong nước lại có giá rẻ đến như vậy?

Theo tính toán, ngay cả khi đã tăng thuế nhập khẩu, giá thép nhập vẫn rẻ hơn thép trong nước vài trăm đồng một ký. Người tiêu dùng không thể không đặt câu hỏi: Trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước kém hơn nên giá thành sản phẩm cao hơn hay mức giá đưa ra không hợp lý? Nếu cứ buộc người tiêu dùng phải mua thép giá cao với lý do “ủng hộ sản xuất trong nước” mãi e không thuyết phục!

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải xem lại mình và các cơ quan quản lý cũng nên rà soát lại khâu hạch toán chi phí của các doanh nghiệp này trước khi tăng thuế để “cứu” họ! 

BÌNH AN

Tin cùng chuyên mục