Hội tụ đủ các điều kiện để khai thác bauxite ở Tây Nguyên

(SGGP-12G).- Hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Tây Nguyên là hai vấn đề quan trọng đã được phân tích, bàn luận sáng nay, 9-4 tại cuộc hội thảo khoa học do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng tham dự.

Theo số liệu được cung cấp tại hội thảo, Việt Nam có trữ lượng bauxite khoảng 5,5 triệu tấn, đứng thứ 3 trên thế giới. Nguồn bauxite ở Tây Nguyên được đánh giá có chất lượng tốt, dễ hòa tách, lại nằm ở dạng quặng lộ thiên dễ khai thác.

Chuyên viên cao cấp Trần Văn Trạch cho biết, dự án Tân Rai có chi phí vận hành 110 USD/tấn alumina (trên thế giới chỉ có nhà máy Worsley của Australia là có chi phí thấp hơn, 100 USD/tấn). Trong khi đó, ở châu Á chỉ có Ấn Độ xuất khẩu alumina, còn lại đều nhập khẩu. Việt Nam nằm gần các thị trường tiêu thụ alumina lớn nên chi phí vận chuyển cũng sẽ giảm nhiều so với các quốc gia xuất khẩu alumina khác.

Nói một cách khác, theo ông Trạch, nếu các dự án được thiết kế hợp lý, việc khai thác quặng bauxite và sản xuất alumina tại Tây Nguyên hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. TS Nguyễn Anh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu mỏ và luyện kim đồng tình: “Trên thế giới, nước nào có quặng bauxite cũng đều khai thác”.

Phát biểu tại hội nghị, PGSTS Nguyễn Khắc Vinh lưu ý thêm, nhu cầu nhôm trên thế giới trong 15 năm qua tăng bình quân 7%/năm, nhưng mấy năm gần đây chỉ tăng 1%; hơn nữa giá nhôm trên thị trường thế giới đang rớt mạnh, do đó chủ đầu tư dự án cần tính toán lại bài toán kinh tế một cách chính xác để có bước triển khai phù hợp.

Xét về khía cạnh môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến nhận định, bùn thải trong quá trình sản xuất alumina – còn gọi là bùn đỏ, một hỗn hợp chất thải rắn, lỏng – là vấn đề môi trường lớn nhất cần quan tâm; với công nghệ chọn của các dự án hiện nay thì cứ mỗi tấn alumina sản xuất ra sẽ thải ra từ 1,2 – 1,5 triệu tấn bùn đỏ, trong đó chất gây ô nhiễm chủ yếu là chất lỏng. Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường là có thể khống chế và khắc phục nếu hệ thống quản lý và vận hành sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong khai thác, chế biến.

TS Nguyễn Anh bình luận thêm, thực tế hiển nhiên là gần 60 triệu tấn alumina đang được sản xuất trên thế giới mỗi năm đều xử lý an toàn bùn đỏ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục