Hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 được sử dụng

Thống kê từ các nguồn tin chính thức cho thấy tính đến 25-4, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine Covid-19 được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 58% trong số đó đã được sử dụng tại 3 nước, gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều. 

Đặc quyền của quốc gia có thu nhập cao

Trên toàn thế giới, số liều vaccine Covid-19 được sử dụng đã tăng gấp đôi trong chưa đầy 1 tháng. Xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ 10 người thì có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Xếp sau Israel là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%).

Với Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều đã được tiêm cho 21% dân số. Bộ Tư pháp liên bang Đức đang đề xuất quy định mới, theo đó nới lỏng hạn chế nghiêm ngặt đối với những người đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19.

Hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 được sử dụng ảnh 1 Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng 200 triệu liều vaccine 
Ảnh: Bloomberg

Mặc dù phần lớn các nước nghèo cũng đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, chủ yếu thông qua sáng kiến tiếp cận vaccine công bằng COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, song nhìn chung, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) việc tiêm chủng vẫn là một đặc quyền của các quốc gia có thu nhập cao.

Đặt niềm tin vào ngành y tế và chính phủ

Quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine Covid-19 (hơn 81% là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ lượng vaccine còn dư để hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, tại một số nước vẫn đang tồn tại tâm lý trốn tiêm vaccine. Ấn Độ, nơi triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất và sớm nhất thế giới hồi tháng 1-2021, lại đang gặp làn sóng Covid-19 thứ 2. Thế nhưng, theo thống kê, tại thủ đô New Delhi, chỉ 53% người đến tiêm ngừa, hơn 1/3 người nằm trong danh sách được gọi đi tiêm đã không đến.

Ngày 25-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi toàn dân tiêm vaccine Covid-19 và thừa nhận rằng “cơn bão” lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang làm rúng động nước này. Trong 4 ngày qua, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.  

Trong khi một số nước không có cơ hội tiếp cận nguồn vaccine, thì Mỹ không có đủ số người muốn tiêm vaccine Covid-19. Nhiều thống kê cảnh báo, nguồn cung vaccine dồi dào của Mỹ sẽ vượt quá nhu cầu sau 2 hoặc 4 tuần tới trong bối cảnh những người muốn tiêm thì đã tiêm rồi, còn nhiều người khác không có nhu cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm chủng 200 triệu liều vaccine trước thời điểm tròn 100 ngày ông nhậm chức (30-4 tới). Trên 51,5% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ước tính, khoảng 70% người dân Mỹ cần được tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, tức là ngưỡng mà virus gây Covid-19 không thể lây lan dễ dàng. Điều này là khó nếu người Mỹ ngừng tiêm vaccine. Trước đó, ngày 19-4, Nhà Trắng đã mở chiến dịch truyền thông để đối phó với tâm trạng ngần ngại với vaccine, trong đó có những người trẻ tuổi.

Tin cùng chuyên mục