(SGGPO).- Sáng 8-12, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị về luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý miễn phí tại trụ sở tiếp dân TƯ. Gần 100 luật sư tham gia hội nghị.
Từ tháng 11-2014, Mặt trận, TTCP, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp triển khai công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tại trụ sở tiếp dân TƯ. Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đây là cơ hội để giới luật sư đóng góp vào các hoạt động của Mặt trận. Thực hiện chương trình phối hợp với Mặt trận, TTCP, từ tháng 7 đến nay hết tháng 9, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với TTCP thực hiện hoạt động pháp lý cho người dân tại trụ sở tiếp dân TƯ tại số 1, Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Đã có 100 luật sư tham gia trong 50 ngày làm việc hành chính. Kết quả đã tiếp xúc hơn 600 lượt công dân để thực hiện trợ giúp pháp lý, tuyên truyền giải thích pháp luật.
Các luật sư tham gia hội nghị
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, thực tế có tới 60% việc khiếu kiện đã hết thẩm quyền, không đúng pháp luật, chỉ khoảng 40% là khiếu kiện đúng cơ sở. Vì vậy, nếu được tư vấn thì người dân sẽ nhận ra cần kết thúc việc khiếu kiện. Đã có một số trường hợp sau khi nói chuyện với luật sư thì đã về quê không khiếu kiện nữa. Qua tiếp xúc, cũng phát hiện một số vụ giải quyết khiếu kiện chưa thỏa đáng, luật sư hướng dẫn người dân có thể kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyển để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân theo chương trình phối hợp này, các luật sư đã làm trọn được bổn phận trong cả 2 vai, đó là khi tư vấn pháp luật, giải thích và tuyên truyền pháp luật phải khách quan trung thực để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích nhà nước trên cơ sở luật pháp. Nếu dân khiếu kiện đúng thì phải hỗ trợ họ tiến hành đúng quy định của pháp luật; nếu khiếu kiện sai thì giải thích, thuyết phục dân để họ không hao tâm tổn sức cho việc khiếu kiện sai.
Khó khăn của việc trợ giúp pháp lý miễn phí trong khiếu nại tố cáo (KNTC), theo ông Thịnh là các vụ việc tại trụ sở tiếp dân TƯ thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qqua nhiều năm. Tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm, do đó khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt hết và hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn. Nhưng luật sư vẫn phải đưa ra những tư vấn ngay cho người dân, vì thế vẫn còn có trường hợp cùng 1 vụ việc nhưng 2 luật sư trợ giúp pháp lý ở 2 ngày khác nhau có 2 ý kiến tư vấn khác nhau. Nguyên nhân là chưa có cơ chế thông tin giữa các luật sư tham gia tư vấn với nhau, dẫn đến sự hiểu nhầm của người dân đối với các luật sư.
Theo Liên đoàn Luật sư, khi tham gia trợ giúp công dân về KNTC, thời gian tư vấn này sẽ được trừ vào thời gian trợ giúp pháp lý bắt buộc của luật sư trong năm 2016 (8 giờ/năm). Các luật sư sẽ tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Liên đoàn sẽ phối hợp với TTCP để tập huấn cho các luật sư về tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Liên đoàn cũng sẽ cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý.
Theo ông Thịnh, qua thực tế tư vấn cho thấy, cần nâng cao công tác tiếp dân tại địa phương của cán bộ tiếp dân, tránh tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp. Cơ quan Nhà nước phải giải quyết khiếu kiện của dân đúng hạn, nếu từ chối cần phải nêu rõ lý do trên cơ sở tuân thủ đúng pháp luật.
|
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã xây dựng đề án tham gia trợ giúp pháp lý ở trụ sở tiếp dân TƯ ở Hà Nội, TPHCM. Mục tiêu là giảm 20-30% số vụ việc KNTC của người dân ở trụ sở tiếp dân TƯ sau khi được luật sư tư vấn. “Nếu làm được như vậy thì sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân TƯ cho biết, ban đầu ý tưởng các luật sư tư vấn miễn phí ở trụ sở tiếp dân TƯ ở Hà Nội, TPHCM bị phản ứng, vì lo sẽ “vỡ trận”, các luật sư có thể là “nam châm” hút việc KNTC. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện cho thấy, chương trình phối hợp rất hiệu quả. Đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của luật sư với người dân, xã hội, nhà nước.
Qua tư vấn miễn phí cho thấy, sự có mặt của các luật sư khiến cho việc giải quyết KNTC của 9 cơ quan TƯ ở trụ sở tiếp dân trở lên khách quan hơn. Không có nghi ngại của xã hội là “luật sư quốc doanh”. “Vì vậy, các bên đã đồng ý triển khai nhân rộng từ năm 2016. Trước mắt, để phục vụ sự kiện chính trị lớn là Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, việc thực hiện tư vấn pháp lý ở trụ sở tiếp dân TƯ sẽ được tập trung đẩy mạnh từ 15-12-2015”, ông Điệp cho biết.
Ông Điệp đề nghị, các luật sư bên cạnh tư vấn cho người dân, trong những trường hợp cụ thể có thể tư vấn cho cả cán bộ tiếp dân. Cùng với đó, Ban Tiếp dân TƯ sẽ chọn các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài để huy động sự tham gia tư vấn của các luật sư.
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc thực hiện tư vấn pháp lý là thực hiện việc đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.
PHAN THẢO