Hơn 7 tỷ USD làm đường sắt TPHCM - Cần Thơ

Ngày 17-6, tại trụ sở UBND TPHCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã làm việc với TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL về dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. 
Hơn 7 tỷ USD làm đường sắt TPHCM - Cần Thơ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI (đơn vị tư vấn) cho biết, sau thời gian nghiên cứu, dự án được xây dựng tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.

Toàn tuyến dài 174,4km, đoạn đi trên mặt đất 86km, đi trên cao 88km. Tổng mức đầu tư của dự án là 169.540 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD. Thời gian đi TPHCM - Cần Thơ khoảng 80 phút. 

Điểm đầu chở hàng hóa là ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương); điểm đầu chở hành khách là ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM), điểm cuối tại ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Tuyến đường sắt sẽ đi qua các tỉnh thành: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đường sắt là dự án rất quan trọng, kết nối phát triển vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL để phát triển kinh tế vùng, cần được triển khai sớm. Dự án cố gắng hoàn thành hồ sơ trước năm 2024, thực hiện giai đoạn 2025-2030.

Các đơn vị tư vấn chú ý không chỉ lưu thông TPHCM - Cần Thơ mà cần kết nối giao thông cả vùng. Từ Cần Thơ mở thêm nhánh về các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau hoặc Bến Tre, An Giang và từ TPHCM có thể mở nhánh ra các tỉnh Đông Nam bộ. Đường sắt sẽ giúp kinh tế đô thị phát triển, góp phần định hình, tái cấu trúc lại khu dân cư, cơ sở hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ phát triển.

Hơn 7 tỷ USD làm đường sắt TPHCM - Cần Thơ ảnh 2 Nguồn: Đơn vị tư vấn cung cấp

Dự án được chia làm 3 nhóm: chuẩn bị mặt bằng, đầu tư toa tàu và xây dựng các ga đô thị. Trong đó, xác định nhóm nào dùng ngân sách, nhóm kêu gọi nhà đầu tư, nhóm khai thác quỹ đất quanh nhà ga. Từ đó, dự án sẽ có thêm nguồn lực vốn  để có thể ngân sách chỉ đầu tư một phần.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị, đơn vị tư vấn, các tỉnh thành cần nghiên cứu quy hoạch trên thực tế chú trọng vào bố trí xây dựng ga để xác định quy mô phù hợp với kinh tế. Việc phát triển ga hàng hóa cần tiếp cận được trung tâm logistics nhằm thuận lợi trong vận chuyển. Các địa phương cần chi tiết quy hoạch để làm tiền đề khai thác quỹ đất, hạ tầng, xây dựng phương án nhà nước, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng nhà ga...

Ngày 17-6, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) thống nhất thông qua 2 dự án giao thông trọng điểm: Đắk Nông - Bình Phước, TPHCM - Bình Dương - Bình Phước và Bình Dương - Bình Phước.

BÙI LIÊM

Tin cùng chuyên mục