Địa điểm xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại Xã Song Hồ và xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với diện tích sử dụng đất 19.282m2.
Được xây dựng bố cục theo phương án cổ truyền: Trục thần đạo theo hướng đông bắc - tây nam đi qua đình cổ, toàn bộ các công trình, hạng mục được bố trí đăng đối theo trục thần đạo.
Các hạng mục chính của công trình gồm: Nhà trưng bày bằng kiến trúc nhà gỗ truyền thống 7 gian, một tầng, mái đao; Nhà giới thiệu quy trình làm tranh và nhà dịch vụ bằng kiến trúc nhà gỗ truyền thống 5 gian, hai mái bít đốc; Hành lang cầu: Nối giữa nhà trưng bày với nhà giới thiệu quy trình làm tranh và nhà dịch vụ; Hồ nước. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như chòi nghỉ, nhà thường trực, nhà vệ sinh, tường rào…
Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh, bổ sung là 91.032.443.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách tỉnh (từ nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung giai đoạn 2016 - 2020) và các nguồn vốn huy động khác (nếu có). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018- 2020.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản số 1918/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bộ đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở VH-TT-DL phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng Hồ sơ gửi Bộ VH-TT-DL xem xét trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tranh dân gian Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, được cộng đồng dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo và phát triển từ mấy trăm năm qua, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc.