Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hợp nhất 3 Tổng Công ty Cảng hàng không: miền Bắc, miền Trung và miền Nam thành Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải quyết định việc hợp nhất này theo quy định hiện hành.
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Theo phương án này, sẽ duy trì DN 100% vốn nhà nước đối với 7 Công ty mẹ - Tổng Công ty và 2 Công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Công ty TNHH một thành viên Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung; 2 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; 4 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; 6 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa đối với: 13 DN thuộc Bộ Giao thông Vận tải; 21 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; 3 Công ty thuộc các Trường Đại học Hàng hải, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh; 2 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5; 4 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8; Công ty TNHH một thành viên Cầu 1 Thăng Long thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long; 2 Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam; 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc; Công ty Thương mại và Du lịch hàng không Đà Nẵng thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung; 2 Công ty thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam; 2 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; 4 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP đối với Công ty Xây dựng công trình 136, Công ty Đường 126 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1; Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu 529 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5; 4 Công ty thuộc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy; Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam; Công ty Đường bộ 230 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ngoài ra, thực hiện phá sản đối với 2 DN: Công ty Xây dựng công trình 506 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Thương mại và Đầu tư giao thông vận tải thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp trên theo quy định hiện hành; căn cứ vào tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và điều kiện thực tế của doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa các đơn vị trên; thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần không thuộc diện Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối; chuyển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Bộ cần giữ quyền quản lý về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ; chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có phương án sắp xếp các Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt và các Công ty TNHH một thành viên thông tin tín hiệu đường sắt theo hướng thu gọn đầu mối và theo khu vực hợp lý và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2012.
Nam Khánh (Cổng thông tin điện tử Chính phủ)
- Thông tin liên quan:
>> Trình Chính phủ thành lập Tổng Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam