Hợp tác phát triển giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL: Tạo đột phá cho kinh tế từng địa phương

Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TPHCM cho các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Ngày 11-3, tại Bến Tre diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương); cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan dự hội nghị
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan dự hội nghị

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TPHCM cho các địa phương trong vùng. Đây cũng là cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Bến Tre cách TPHCM 86km; ở vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - cầu Rạch Miễu - kết nối cầu Cổ Chiên nối với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh phía Nam ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, có thể phát huy lợi thế về vị trí địa lý là đầu mối giao thương hàng hóa và trở thành vệ tinh của vùng đô thị TPHCM.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị

Tỉnh đã xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Đây chính là thế mạnh để tỉnh phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng; hiện cầu Rạch Miễu 2 đã khởi công, các công trình, dự án đã có nhà đầu tư trước đây cũng đã bắt đầu khởi động. Thời gian tới, Bến Tre còn nhiều dự án khác như: Phối hợp tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Vĩnh Long, xây dựng cầu Tân Phú…, hứa hẹn tạo sự phát triển cho Bến Tre trong thời gian tới.

Đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TPHCM, đây là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho Bến Tre, giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú (Bến Tre), thúc đẩy liên kết giữa Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TPHCM.

Tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL luôn kỳ vọng Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn đến năm 2025 tiếp tục phát huy hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để vùng ĐBSCL triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng ĐBSCL cùng với TPHCM đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Sau hội nghị, TPHCM sẽ ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số...

Tin cùng chuyên mục