Hộp thư văn học nghệ thuật

- Tôi được biết ngày xưa không phải chỉ có mỗi công chúa Huyền Trân là bị vua cha gả đi để bang giao với các nước láng giềng, mà có rất nhiều công chúa cũng cùng chịu số phận ấy?

Trọng Dũng (quận 3)

>> Đúng vậy, cùng cảnh ngộ với công chúa Huyền Trân còn có công chúa Ngọc Khoa và công chúa Ngọc Vạn thời chúa Nguyễn. Chúa Sãi Vương gả công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm Po Romé (1627-1651) ngự trị tại thành Bal Pandran (Phan Rang bây giờ). Nhưng năm 1651 vua Chiêm vẫn tiếp tục gây chiến và tử trận khi đánh nhau với quân Chúa Nguyễn. Công chúa Ngọc Vạn là chị Ngọc Khoa, Chúa Sãi gả cho vua Chân Lập là Chey Chettha II.

Nhờ cuộc hôn nhân này nên vua Chân Lập đã cho phép người Việt mở dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa bây giờ), và từ đó tiến dần về Đồng Nai, Biên Hòa, Sài Gòn. Công chúa Ngọc Vạn được phong làm Hoàng hậu và có với Vua Chey Chettha II một hoàng tử và một công chúa. Nhờ bà mà sứ đoàn của Chúa Nguyễn được phép lập thương điếm ở phía Nam, đó là Sài Gòn bây giờ.

Đó chỉ là vấn đề bang giao bình thường giữa hai nước, nhưng trong chiến tranh, năm 1285, để ghìm tốc độ tiến binh như vũ bão của quân Nguyên, và để có thời gian củng cố lực lượng, nhà Trần đã hy sinh công chúa An Tư (em gái út của vua Trần Thánh Tông) dâng cho Thoát Hoan. Số phận công chúa An Tư ra sao sau chiến thắng quân Nguyên, không có sử gia nào ghi lại?!

Bích Châu

Tin cùng chuyên mục