Trong mắt du khách

Hướng dẫn viên là ai?

Hướng dẫn viên là ai?
  • Từ cuộc điều tra mini

Đây là kết quả từ cuộc điều tra mini của Báo Sài Gòn Giải Phóng dưới hình thức mời phỏng vấn và điền phiếu thăm dò trên 100 du khách nội địa bất kỳ trên các đường tour. Kết quả thu được khá bất ngờ: 100% ý kiến đồng tình yếu tố chính quyết định sự thành công hay thất bại của một tour du lịch là HDV, nhưng chỉ có 45% hài lòng với khả năng của đội ngũ HDV hiện nay. Du khách cần một HDV như thế nào?

Hướng dẫn viên là ai? ảnh 1

Hướng dẫn viên Công ty Sài Gòn Mekong giới thiệu điểm tham quan rừng Sác - Cần Giờ cho du khách.

Chị Bích Đào, Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM nói rằng: “Đi biển nhiều lần, tôi rất ngán ngẩm với những trò chơi nhàm chán của các HDV, hễ đến Long Thành thì họ đố nói lái về vua (vua đánh bài: along sền; vua đi bơi: long sội; vua nhảy đầm: long mắc….); đến Bà Rịa thì lại đố những danh từ riêng bắt đầu bằng tiếng “Bà” (Bà Hom, Bà Chiểu, Bà Đen…). Nếu không, các HDV sẽ thay nhau kể chuyện tiếu lâm mà “tục” nhiều hơn thanh. Vì thế, để tự cứu mình, tôi mua thật nhiều báo, kiếm một góc ở cuối xe mà đọc suốt cuộc hành trình”.

Anh Trần Thông (Q.3,TPHCM) phàn nàn: Trong một tour đi Phan Thiết, mới ra khỏi cầu Sài Gòn, HDV đã giới thiệu một hơi về nơi đến, nào là trái thanh long, đặc sản nước mắm, rồi tháp Pôsanư, lầu Ông Hoàng. Đến khoảng Suối Tiên (Thủ Đức) kể như hết đề tài, HDV chuyển sang nói kế hoạch chương trình chiều nay làm gì, tối nay ăn ở đâu?... Họ có biết rằng thuyết minh mà không gắn liền với những vùng đất xe chạy qua thì có chán không?

Trong khi đó, dài theo quốc lộ 1A qua Thủ Đức, Biên Hoà, Hố Nai, có biết bao địa danh cần được giới thiệu như trận đánh giữ cầu Rạch Chiếc lịch sử diễn ra ngày 28 và 29/4/1975; hay Thủ Đức-một quận ngoại thành của TPHCM đang trên đường đô thị hóa, gần đây có một sự kiện đáng nói là vị chủ tịch UBND quận đã từ nhiệm vì tự thấy mình không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ… Nghĩa là gần như đề tài thì vô tận, chỉ cần HDV truy cập tốt kho kiến thức của mình cộng với duyên ăn nói thì khách trên xe có thể cảm nhận được chuyến đi thật sự bổ ích.

Kết quả thăm dò của chúng tôi cho thấy, có đến 80% du khách đồng tình với ý kiến của anh Trần Thông, tức là tiêu chí HDV phải có kiến thức văn hoá, lịch sử tốt, hiểu biết sâu rộng về những địa điểm tham quan, là tiêu chí đặt lên hàng đầu. 75% yêu cầu HDV phải hoạt bát, nhiệt tình, vui vẻ, biết xử lý tình huống khi có sự cố trên đường tour. 50% du khách đòi hỏi HDV phải sáng tạo trong thuyết minh, tổ chức trò chơi phải phù hợp lứa tuổi khách đi tour. Đặc biệt, 100% du khách trẻ (dưới 35 tuổi), nhất là du khách nam cho rằng ngoài hoạt bát, nhiệt tình, HDV còn phải trẻ và có ngoại hình đẹp.

  • Du khách phàn nàn gì ?

Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật, chị P.P. đưa ra nhận xét: “Nếu có dịp tham gia 2 lần trên cùng một tour thì lượng kiến thức HDV thông tin và các trò chơi gần như trùng lắp, rất nhàm chán. HDV của ta dường như lười cập nhật cái mới”. Chị Cẩm Hồng 43 tuổi, đi tour Trung Quốc của Saigontourist kể rằng các dịch vụ của Saigontourist rất tốt nhưng HDV không nhiệt tình, lên xe thay vì hướng dẫn, thuyết minh cho khách thì chỉ làm qua loa, sau đó xin phép khách cho… ngủ vì mệt quá! Nguyên nhân là vì HDV quá tải, phải đi liền mấy tour liên tục không được nghỉ.

Chị Minh Khuê đi tour của Vietravel cũng than phiền, HDV nhiệt tình nhưng khả năng thuyết minh kém, chưa làm tốt vai trò HDV nhất là giúp du khách hoàn thành thủ tục hải quan. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của du khách về tình trạng HDV yếu kiến thức không thổi được cái hồn của lịch sử vào các đề tài. Anh P.K.D, giảng viên trường Đào Tạo Việt Mỹ cho biết thêm: “Nếu HDV không yếu về kiến thức lịch sử thì lại thuyết minh ào ào, giải thích như trả bài, không một tí xúc cảm, trải nghiệm. Du khách nghe qua rồi quên mất, không đọng lại được điều gì.”

Trong quá trình đi tìm mô hình HDV lý tưởng mà các du khách mong muốn được đồng hành trên mỗi chuyến đi, chúng tôi còn ghi nhận nhiều ý kiến thú vị. Du khách “tuổi teen” thì thích HDV sôi nổi, vui tính, ưa hoạt náo, có khiếu quản trò; khách tuổi trung niên thì khác, HDV phải nhiệt tình, tâm lý.

Như ý kiến của chị Nguyễn Thị Đen (40 tuổi, nội trợ): HDV phải đoán được tâm lý của khách để biết khi nào mọi người cần nghỉ ngơi, khi nào cần hoạt náo”. Nhưng nhìn chung, du khách đều đòi hỏi HDV phải hết sức linh hoạt và sáng tạo. Bên cạnh mảng kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ, địa lý, văn hoá, lịch sử đã được nhà trường đào tạo, HDV cần phải đọc nhiều, cập nhật thông tin thời sự về các địa danh sắp tham quan và phải có lòng yêu mến lịch sử quê hương mình thì mới nhớ nhiều, đến khi cần mới có thể “bật” ra với đầy cảm xúc được.

Như vậy khách sẽ không cảm thấy mệt mỏi và chuyến hành trình sẽ thú vị hơn. Thêm vào đó, những trò chơi, cách hướng dẫn đoàn cũng cần thay đổi cho phù hợp với từng đối tượng khách, tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ. Trên các tour mạo hiểm, tour ra nước ngoài, nhiều du khách đòi hỏi ở HDV không chỉ về mặt kiến thức mà còn kinh nghiệm hướng dẫn, cách tổ chức đoàn, khả năng xử lý tình huống, khả năng sơ cứu y tế… 

NHÓM P.V

- Ông Nguyễn Đức Hy – Giám đốc Marketing Công ty Fiditourist: Do du lịch là ngành hoạt động theo mùa nên hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều sử dụng nguồn HDV là cộng tác viên bên cạnh đội ngũ HDV chính thức. Chất lượng các HDV tự do này không cao lắm, rất khó tìm được người thực sự giỏi cả về nghiệp vụ lẫn kiến thức. Lượng HDV được đào tạo bài bản ra trường không bao nhiêu nhưng nhiều em chỉ giỏi về lý thuyết, thiếu thực hành, dẫn đến xử lý tình huống kém. Các doanh nghiệp muốn sử dụng phải đào tạo lại, vừa tốn công vừa rất mất thời gian.

- Bà Nguyễn Thị Khánh – Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM: Tình hình chung hiện nay là năng lực của HDV du lịch vừa thừa vừa thiếu. Thừa những chuyện tiếu lâm rẻ tiền cứ lập đi lập lại hết tour này đến tour khác, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống cụ thể và thiếu cập nhật thông tin. Dưới góc độ của nhà quản lý, Sở Du lịch đã kiến nghị Tổng cục Du lịch thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho các HDV. Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng đang thành lập câu lạc bộ HDV để các HDV có điều kiện thông tin và học hỏi lẫn nhau. Theo đúng tiến độ, sau khi ban hành Luật Du lịch (đầu năm 2006), Sở cũng sẽ triển khai kế hoạch xét, cấp phát thẻ cho cả HDV nội địa, trên tinh thần phân chia chất lượng và đẳng cấp HDV một cách cụ thể.

Tin cùng chuyên mục