TPHCM

Hướng đi cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Hướng đi cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Những ngày cuối tháng 4-2005, TPHCM chính thức công nhận 11 sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) của TP. Đây là một quyết định mang ý nghĩa quan trọng bởi những SPCNCL này sẽ là hạt nhân dẫn dắt công nghiệp TP phát triển và là niềm tự hào của TPHCM trong tương lai.

  • Hai năm đầu tư và sàng lọc

Được khởi động từ tháng 12-2003, sau nhiều lần xem xét, lựa chọn, chương trình phát triển các SPCNCL đã hỗ trợ cho 43 sản phẩm của 35 doanh nghiệp phát triển nhanh để làm cơ sở lựa chọn các sản phẩm SPCNCL chính thức. Hơn 2 năm, các doanh nghiệp này đã được hỗ trợ toàn diện như thiết kế sản phẩm mới, nâng cao trình độ công nghệ, quản lý và đào tạo, được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng 540 tỷ đồng cho 20 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, được xúc tiến quảng cáo sản phẩm tại các cuộc triển lãm, trên tạp chí và trang web của TPHCM.

Từ 43 sản phẩm đến nay đã có 11 sản phẩm của 11 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chính thức là SPCNCL đầu tiên của TP.

Hướng đi cho sản phẩm công nghiệp chủ lực ảnh 1

Dây cáp điện của Công ty Tân Cường Thành, một sản phẩm chủ lực của TPHCM.

Đó là sản phẩm dây cáp điện của Công ty Tân Cường Thành; sản phẩm may mặc của Việt Tiến; mì ăn liền của Acecook Việt Nam; xe buýt và xe chuyên dụng của Samco; dây điện và cáp điện của Cadivi; sữa đậu nành và nước ngọt lon của Tribeco; bao bì màng đa lớp của Liksin; nệm mút cao su thiên nhiên của Sao su Sài Gòn - Kymdan; đồ gỗ trang trí nội thất của Savimex; săm lốp xe máy và xe ô tô của Casumina.

Có những doanh nghiệp trước đây chỉ là một tổ hợp sản xuất như Tân Cường Thành, nhưng với sự năng động, định hướng phát triển tốt đã tự nâng sản phẩm dây cáp điện của mình trở thành một mặt hàng chất lượng, không những thay thế hàng nhập khẩu mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Chỉ tính hai năm qua, công ty đã cung cấp 3.500 tấn sản phẩm cáp nhôm cho đường dây 500 kV mạch 2, với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng. Đó còn là Công ty Casumina, một doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vị thế của mình qua việc đáp ứng nhu cầu trong nước về săm lốp xe máy, xe ô tô, và hướng đến xuất khẩu.

Đó là May Việt Tiến, đơn vị luôn luôn được xem là dẫn đầu toàn ngành dệt may trong doanh thu, quy mô phát triển, hiệu quả… Không chỉ đổi mới chuyền sản xuất hợp lý cho năng suất cao, Việt Tiến còn trang bị các thiết bị chuyên dùng, hệ thống quản lý điện tử để tính toán năng suất của từng người lao động và chất lượng sản phẩm của từng người, từng ca sản xuất. Việt Tiến cũng còn là nơi đào tạo nhân lực, cung ứng cán bộ cho các doanh nghiệp dệt may…

  • Hướng phát triển: Công nghệ cao

Dù phải nhìn nhận đây là những sản phẩm có thị trường, có trình độ công nghệ sản xuất cao nhưng xét ra thì TP vẫn thiếu những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn và mang tính đặc thù riêng của TP. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng cho rằng, đây chỉ là bước khởi đầu để TP có những sản phẩm công nghiệp chủ lực để giữ vững tốc độ tăng trưởng hiện đại, hướng đến phát triển những sản phẩm mới, ngành công nghiệp mới.

Theo ông, trước mắt, 24 sản phẩm còn lại trong chương trình hỗ trợ cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, mở rộng thị phần, tăng nhanh doanh số, nâng cao tỷ suất lợi nhuận để được công nhận là SPCNCL. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát triển thêm các ngành công nghiệp mũi nhọn, hình thành các sản phẩm công nghệ cao trong các ngành điện tử, tin học, rô bốt, hóa chất, ứng dụng công nghệ sinh học…

Chương trình phát triển các SPCNCL vẫn hướng vào 3 mục tiêu để phấn đấu và lựa chọn: Thứ nhất, sản phẩm có khả năng cạnh tranh tương đối cao, có hiệu quả kinh tế, có tiềm năng về thị trường; có sản lượng tiêu thụ lớn, hàm lượng giá trị gia tăng cao, đóng góp đáng kể vào giá trị tổng sản phẩm nội địa TP.

Thứ hai, từ nghiên cứu nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, trên kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học, đề xuất thiết kế sản xuất thử các sản phẩm có tính cạnh tranh cao dựa trên công nghệ thiết bị tiên tiến của doanh nghiệp, TP sẽ hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có công nghệ cao, quy mô ngày càng lớn, đóng góp ngày càng nhiều cho GDP TP.

Đây chính là các SPCNCL mới, dựa trên nhu cầu của thị trường và công nghệ cao. Thứ ba, phấn đấu có 30 - 50 SPCNCL với các ưu thế cạnh tranh, chiếm tổng giá trị 15% - 20% GDP của TP.

Ông Nhân cũng cam kết, TP sẽ làm việc với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp có triển vọng ứng dụng công nghệ cao để xác định danh mục và có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có sản phẩm đã được “dán tem”, Ban Chỉ đạo chương trình sẽ có kế hoạch xây dựng lộ trình để giúp doanh nghiệp trở thành hạt nhân trong từng ngành hàng của mình. Các doanh nghiệp này cũng cần rà soát ngay chiến lược phát triển 5 - 10 năm tới, xây dựng lộ trình gia nhập WTO, tận dụng thời cơ để phát triển và tạo thành nhóm doanh nghiệp có doanh số bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm. 

VĂN MINH HOA 

Tin cùng chuyên mục