Các tập đoàn sản xuất vũ khí đang được hưởng lợi từ cuộc chạy đua vũ trang ở các nước Bắc Âu. Chuyển động trên ở Bắc Âu khởi phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine với mong muốn củng cố khả năng quốc phòng để đảm bảo an ninh, toàn vẹn lãnh thổ.
Thụy Điển là nước nổ phát súng đầu tiên khi vào tháng 4 vừa qua thông báo tăng chi phí quân sự trong vòng 10 năm tới. Về phần mình, Ba Lan, vốn đã nỗ lực mạnh mẽ để hiện đại hóa quân đội, cho biết thực hiện sớm 2 năm kế hoạch mua 82 máy bay trinh thám không người lái, và sẽ nhận được những chiếc đầu tiên trong số này ngay trong năm 2016.
Bước khởi đầu tái vũ trang đã làm dấy lên cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn công nghiệp của Mỹ và châu Âu. Thụy Điển muốn có nhiều máy bay tiêm kích Grippen, do tập đoàn Saab của chính nước này chế tạo; tàu ngầm do chi nhánh Đức Thyssen Krupp Marine Systems sản xuất và tên lửa đạn đạo Taurus của liên doanh Đức-Thụy Điển. Trong khi đó, các tập đoàn Mỹ có lợi thế hơn tại thị trường Ba Lan. Theo chuyên gia Jean-Pierre Maulny, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, ngay sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine lên cao trào, người Mỹ đã vội vã đưa ra các đề nghị hấp dẫn cho Ba Lan. Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã có chuyến thăm chính thức Warsaw.
Tuần trước, Tổng Giám đốc tập đoàn Lockheed Martin, Marilyn Hewson, đã tới Warsaw để thảo luận về hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Trước nữa, trong một lần trả lời phỏng vấn tuần báo Welt am Sonntag của Đức, ông Hewson “hân hoan” cho biết rất nhiều đối tác tại châu Âu đã đặt hàng hệ thống phòng không tầm trung (MEADS), trong khi nhiều nước thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chú ý tới chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin. “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine giúp chúng tôi gia tăng doanh số”, ông Hewson nói. Ngoài Lockheed Martin, công ty Sikorsky của Mỹ hiện đang chạy đua với Airbus Helicopters của châu Âu và AugustaWestland của Italia để bán trực thăng cho Ba Lan…
Cùng với tình hình hỗn loạn đang diễn ra tại Ukraine, các nước Bắc Âu càng quyết tâm đẩy mạnh củng cố quốc phòng. Ông Michael Clarke thuộc Royal United Services Institute, một trung tâm tư vấn tại Anh, nhận định là trong tương lai, các cường quốc châu Âu thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ chi nhiều hơn cho quốc phòng, bởi Ukraine không phải là một cuộc khủng hoảng thoáng qua, mà đó là một bước ngoặt. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng việc cắt giảm ngân sách gây trở ngại cho tiến trình chạy đua vũ trang tại châu Âu. Về điều này, chuyên gia Maulny cho rằng các nước châu Âu sẽ có biện pháp ngoại lệ, đưa các khoản chi phí quân sự ra bên ngoài những tính toán về thâm hụt ngân sách quốc gia. Và như vậy, các tập đoàn vũ khí sẽ tiếp tục có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận của mình tại châu Âu.
ĐỖ CAO