Hướng tới quan hệ đối tác thực chất

Chuyến đi đến các quốc gia châu Phi vùng cận Sahara của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang nhận được sự chú ý của dư luận. 

Đây cũng là chuyến thăm thứ 2 của ông Antony Blinken đến khu vực này. Vào tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã đến Nigeria, Senegal và Kenya. Đáng chú ý, chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra sau thông báo về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Washington. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội nghị thượng đỉnh này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu.

Tiếp xúc với các lãnh đạo tại Nam Phi, Cộng hòa Congo, Rwanda, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi, thay vì cạnh tranh sức ảnh hưởng với những cường quốc khác tại châu lục này. Các quốc gia châu Phi chiếm vị trí địa chiến lược và những đối tác quan trọng trong các vấn đề cấp bách nhất của thời đại, từ thúc đẩy một hệ thống quốc tế cởi mở và ổn định, giải quyết những tác động biến đổi khí hậu và đại dịch toàn cầu đến định hình tương lai công nghệ và kinh tế. Với 3 quốc gia trên, Mỹ mong muốn có sự hợp tác sâu rộng hơn trong các vấn đề có nhiều tiềm năng phát triển như an ninh lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu…

Chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Blinken còn được nhận định là nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Quan hệ thương mại Trung Quốc - châu Phi ngày càng gia tăng. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi. Trong khi đó, với Nga, châu Phi vẫn giữ vai trò trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nhằm củng cố cam kết của Mỹ với châu Phi, khi chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đang diễn ra, Nhà Trắng đã công bố chiến lược mới đối với lục địa đen. Theo đó, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ châu Phi trong một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch Covid-19 đến mất an ninh lương thực, đồng thời hướng đến việc tăng cường nỗ lực chống khủng bố thông qua cách tiếp cận phi quân sự. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lực quân sự chống lại các mục tiêu khủng bố một cách hợp pháp và tại những nơi tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng. Theo chiến lược này, việc hỗ trợ ngành y tế và kinh tế phục hồi sau đại dịch là điều kiện tiên quyết để giành được lòng tin của châu Phi, bên cạnh việc tăng cường thương mại, tạo thêm việc làm và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục