Hướng tới trung tâm kết nối du lịch

Tại nhiều cuộc họp lớn của ngành du lịch, các chuyên gia luôn nhấn mạnh TPHCM cần trở thành trung tâm kết nối du lịch trong và ngoài nước.

Thực tế, suốt thời gian qua TPHCM đã âm thầm giữ vai trò này, nhưng bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại là làm sao để tiếp tục làm tốt hơn nữa, giúp khách muốn lưu lại thành phố lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Phân tích ở góc độ chuyên môn, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng vì muốn trải nghiệm những điều mới lạ. Chẳng hạn, khách đến khu vực Đông Bắc và Tây Bắc nước ta vì muốn ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, mùa lúa chín vàng, những dãy núi trập trùng trong sương sớm; đến Hà Nội để cảm nhận vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến…

Còn đến TPHCM, nơi đây có gì? Đây chính là trăn trở của ngành du lịch, bởi ai cũng hiểu TPHCM có quá nhiều lợi thế như sông nước trải dài, có rừng ngập mặn Cần Giờ nổi tiếng, tuyến phố ẩm thực, phố đi bộ gắn với trung tâm thương mại sầm uất; nhưng khi hỏi đến sản phẩm nổi bật của TPHCM, khiến du khách nhất định phải quay trở lại thì… còn phải chờ.

Ngoài sản phẩm mới, trên hết chất lượng dịch vụ, thái độ của người bán hàng, đảm bảo vệ sinh môi trường… chính là những “nút thắt” cần tháo gỡ. Mới đây, ngày 21-8, Ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) đã quyết định xử phạt 1 tiểu thương vì kinh doanh “chặt chém” một du khách Nhật Bản, khi hét giá 3 đôi vớ lên tới 700.000 đồng, trong khi giá thực tế chỉ khoảng 60.000 đồng. Khách muốn tìm hiểu cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa nên thích tham quan chợ, nhưng chắc chắn không ai vui khi bị “chặt” giá gấp 10 lần như vị khách Nhật Bản nói trên.

Các doanh nghiệp lữ hành xác nhận, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Hồng Công (Trung Quốc)… tình trạng nói thách, hét giá không hiếm nên hướng dẫn viên phải khuyến cáo khách trong đoàn nên thận trọng khi mua hàng. Tuy nhiên, thông thường khách sẽ trả rẻ hơn từ 15-30% so với giá người bán đưa ra, chứ không ai trả rẻ hơn từ 70-80% cả. Rõ ràng câu chuyện nói thách, hét giá nói trên nếu không xử lý triệt để sẽ trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến khách mất thiện cảm khi đến với Việt Nam…

Ngoài ra, tình trạng rác thải ở các kênh rạch, hai bên bờ sông… cần được thu gom và xử lý triệt để. Chỉ cần làm tốt những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như nâng chất lượng dịch vụ, quy trình chế biến món ăn đường phố sạch sẽ, an toàn, bán đúng giá... sẽ giúp du khách yên tâm khi đến một vùng đất mới. Lâu dài, khách sẽ cảm thấy yêu thích, quay trở lại nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục