Huy động tổng lực phòng chống Ebola

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola gây ra, ngày 20-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Ebola đã có cuộc họp trực tuyến giữa Hà Nội và TPHCM nhằm nâng cao khả năng đáp đối phó với dịch bệnh Ebola.
Huy động tổng lực phòng chống Ebola

(SGGPO). - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola gây ra, ngày 20-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Ebola đã có cuộc họp trực tuyến giữa Hà Nội và TPHCM nhằm nâng cao khả năng đáp đối phó với dịch bệnh Ebola.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch bệnh do virus Ebola đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trên thế giới, ngoài khu vực châu Phi, thì Mỹ và Tây Ban Nha đã ghi nhận có bệnh nhân mắc dịch bệnh nguy hiểm này và đó là nhân viên y tế. Với Việt Nam, mặc dù chưa ghi nhận có bệnh nhân mắc bệnh do virus Ebola gây ra, nhưng dịch bệnh nguy hiểm này có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Do đó, các cơ sở y tế cần nâng cao mức độ cảnh giác và đáp ứng cao hơn nữa khả năng đối phó với dịch bệnh Ebola. Các bệnh viện trong cả nước cần rà soát lại kế hoạch phòng chống dịch do virus Ebola gây ra và tiếp tục tập huấn cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm của thế giới bên cạnh những hướng dẫn, cách chẩn đoán bệnh đã được bộ Y tế ban hành.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch Ebola, phòng ngừa lây lan cho nhân viên y tế. Ảnh: Lã Anh

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị thật kỹ việc diễn tập quy mô lớn tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Trung ương Huế và bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Trong đó xây dựng kế hoạch diễn tập với các tình huống giả định cụ thể, lên phương án nhân lực để khám sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cách ly, kiểm soát, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, có phương án mở rộng vùng cách ly khi dịch lan rộng.

Các các bệnh viện tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc tiếp nhận, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời soát lại các trang phục bảo hộ theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, các trang thiết bị y tế, quy trình về xử lý chất thải y tế của bệnh nhân, mẫu bệnh phẩm, vệ sinh buồng bệnh…

Sử dụng máy đo thân nhiệt giám sát khách nhập cảnh ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Lã Anh

Về phía Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, từ tháng 9 tới nay, số người mắc và tử vong do virus Ebola tiếp tục tăng rất cao, Tổ chức Y tế Thế giới dự báo số người tử vong do virus Ebola có thể tăng lên 10.000 người nếu không có các biện pháp kiểm soát triệt để. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ dịch bệnh này, nhất là tại khu vực có cửa khẩu quốc tế qua việc áp dụng tờ khai y tế và đo thân nhiệt đối với hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch. Tính đến ngày 17-10 đã có 277 hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch bệnh Ebola vào Việt Nam, trong đó có một số trường hợp nghi ngờ sốt và cách ly nhưng chỉ là ngẫu nhiên.

Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết thêm, để nâng cao mức độ ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế sẽ lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây nguyên. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quận, huyện sẽ thành lập đội phản ứng nhanh trên cơ sở kiện toàn lại đội phòng, chống dịch bệnh đã có tại địa phương để tăng cường khả năng ứng phó.

Trong khi đó, TS Masaya Kato, Chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam cho biết, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, virus Ebola chưa có biến đổi gene và độc lực, cũng như chưa có bằng chứng về việc lây truyền virus Ebola qua không khí. Tuy nhiên, qua theo dõi 2 chu kỳ của bệnh Ebola (42 ngày) Senegal không phát hiện có ca nhiễm mới nên WHO đã ra thông báo Senegal được công nhận là quốc gia chấm dứt dịch bệnh Ebola. Việc chấm dứt dịch bệnh ở quốc gia trên cho thấy những nỗ lực phòng chống virus Ebola đã có hiệu quả, những bài học kinh nghiệm về chấm dứt dịch bệnh Ebola sẽ được WHO áp dụng và phổ biến cho các quốc gia trên thế giới. WHO cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh Ebola, nhất là trong công tác kiểm soát dịch bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, tiếp nhận và chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Theo WHO tính đến ngày 18-10, thế giới đã ghi nhận 9.284 trường hợp mắc, trong đó 4.604 trường hợp tử vong do virus Ebola. Trong đó đã ghi nhận 431 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 247 trường hợp tử vong. Hai quốc gia ngoài châu Phi là Mỹ và Tây Ban Nha có trường hợp nhiễm bệnh do virus Ebola đều là nhân viên y tế trước đó tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân Ebola, cụ thể Mỹ có 3 trường hợp mắc với 1 ca tử vong, còn  Tây Ban Nha ghi nhận 1 trường hợp.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục