“Ai được nhận Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn” đều cảm thấy vinh dự và tự hào vì họ không chỉ chiến thắng kẻ thù hung hãn mà chiến thắng cả đói khát, bệnh tật, muỗi vắt, sốt rét rừng không kém phần hiểm nguy”, ông Đỗ Tấn Huỳnh, năm nay ngoài 80 tuổi đời, hơn 50 tuổi Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 TPHCM, vẫn nhớ như in kỷ niệm những ngày vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu...
Sau 2 tháng học tập, huấn luyện tại tỉnh Phú Thọ,đoàn cán bộ dân – chính - đảng đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam (lấy phiên hiệu K33) gồm khoảng 300 người chia thành nhiều chi nhỏ bí mật vào làng Ho bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Ông Đỗ Tấn Huỳnh nhớ lại: “Chiều 22-12-1964, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đoàn K33 làm lễ xuất quân. Các thành viên trong đoàn đều mặc quần áo bà ba, đội mũ tai bèo của quân giải phóng đứng chào cờ và hát vang bài “Giải phóng miền Nam”. Cho đến tận bây giờ mọi người vẫn không quên giây phút thiêng liêng ấy…”.
Đêm đầu tiên ở làng Ho, anh chị em được ăn bữa cơm cuối cùng do đường dây liên lạc nấu, từ hôm sau bắt đầu hành trình gian khổ, mỗi người vác 30kg quân trang, lương thực, khi dừng chân phải tự nấu ăn. Đêm lặng lẽ vượt sông Bến Hải, con sông ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc, đoàn cán bộ tạm giã từ hậu phương lớn, đặt chân lên mảnh đất miền Nam đau thương mà anh dũng. Trong đoàn có 11 phụ nữ trẻ quê ở ngoài Bắc có, trong Nam có, họ cũng dép cao su và gậy Trường Sơn cùng nam giới vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Có hai cặp vợ chồng trẻ cùng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, họ cùng leo núi, vượt dốc, chia sẻ từng củ khoai nướng, lúc dừng chân thì mắc võng tâm tình... Nhìn họ hạnh phúc, ai nấy cảm thấy cuộc đời đẹp làm sao! Trong đoàn còn có những cặp anh em ruột như: Quang và Quyền, Tuấn và Đinh Phong khiến cho khí thế ra trận thật hào hùng, lãng mạn và xúc động.
Trên đường đi, anh em trong đoàn phải thay nhau khiêng cáng người bệnh và mang vác giúp hành trang để cuộc hành quân “đi đến nơi về đến chốn”. Mọi người luôn phải đối mặt với đói khát, bệnh tật, muỗi vắt, sốt rét rừng và súng giặc bủa vây. Đến cuối đường Trường Sơn, dốc núi cao, đường xuôi dần nhưng máy bay địch liên tục dò la trên đầu khiến đoàn phải bí mật “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Rồi đoàn đi qua Sông Bé về đến đất Bình Long là khu giải phóng liên hoàn của ta, sau đó vượt qua suối Tha La, nhánh nhỏ của sông Sài Gòn về chiến khu Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đến đây thì mọi người reo lên: “Về đến Ông cụ rồi anh em ơi!”.
Như vậy sau 86 ngày đêm từ khi rời Phú Thọ, trong đó có 64 ngày đêm leo núi, băng rừng, vượt dốc đầy gian khổ, đoàn K33 đã thực hiện thành công cuộc hành quân lịch sử có một không hai. Nghỉ ngơi vài ngày, đoàn cán bộ được phân công về các chiến trường Nam bộ như: T1 (khu Đông Nam bộ), T2 (khu Trung Nam bộ), T3 (khu Tây Nam bộ), T4 (khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định). Sau này, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, nhiều người bị địch bắt bớ tù đày nhưng ai cũng tự hào vì dấu chân nhỏ bé của mình đã được in dấu trên đường Trường Sơn huyền thoại. Trong đoàn K33, có nhiều cán bộ chiến sĩ được mọi người biết đến như: liệt sĩ Ca Lê Hiến tức Lê Anh Xuân, liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát... Các anh chị em trong đoàn K33 đều được trao tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn”.
Minh Ngọc