Những năm qua, điện ảnh Việt Nam nói chung, phim truyện nhựa nói riêng, có những nét khởi sắc đáng kể. Số lượng các phim mỗi năm đều tăng, đề tài đa dạng và phim “lai rai” có mặt ngoài rạp quanh năm, chứ không chỉ xúm nhau tranh giành chiếu đúng mùa tết. Tuy nhiên nhìn lại mới thấy, số lượng phim của các hãng phim nhà nước mỗi năm một ít đi trong khi phim do các hãng phim tư nhân sản xuất gần như chiếm lĩnh “sân chơi” này suốt năm.
Trễ kế hoạch, trách nhiệm ai?
Trong năm 2012, ba hãng phim nòng cốt là Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty cổ phần Phim truyện 1 (Hãng phim truyện 1) và Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng đang triển khai sản xuất 4 bộ phim truyện nhựa do nhà nước đầu tư kinh phí. Lạ thay, đây là 4 phim nằm trong kế hoạch sản xuất từ năm… 2009.
Đó là các phim: Những người viết huyền thoại, Nếu anh còn được sống (Hãng phim truyện Việt Nam), Đam mê (Công ty cổ phần Phim truyện 1) và Cát nóng (Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng).
Dù được nhà nước cấp kinh phí (70%), nhưng Hãng phim truyện Việt Nam vẫn phải tìm thêm nguồn tài trợ từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam mới đủ kinh phí thực hiện bộ phim Những người viết huyền thoại (kịch bản: Nguyễn Anh Dũng, đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng). “Phim nói về việc lắp đặt đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó là một công việc rất công phu, vất vả, nguy hiểm và để thực hiện được những cảnh quay này thật thuyết phục, phim đạt chất lượng, chúng tôi phải tìm thêm nguồn đầu tư chứ không thể làm được với kinh phí đã được duyệt từ năm 2009” - đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, cho biết.
Bộ phim Nếu anh còn được sống (kịch bản: Việt Linh, đạo diễn: Lê Ngọc Linh) sẽ được bấm máy vào tháng 9 tới đây. Bên cạnh đó, hãng cũng chủ động chuẩn bị bấm máy thêm một phim truyện nhựa khác Không có Eva (đạo diễn Nhuệ Giang) và bộ phim này nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ hỗ trợ làm phim của Pháp và Thụy Sĩ. Dự kiến, Những người viết huyền thoại sẽ kịp hoàn thành để gửi tham dự giải Cánh diều vàng 2013.
Công ty cổ phần Phim truyện 1 đang làm hòa âm cho bộ phim Đam mê (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Phi Tiến Sơn). Trong khi đó, bộ phim Cát nóng (kịch bản: Phạm Thùy Nhân, đạo diễn: Lê Hoàng) của Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng sẽ được bấm máy vào tháng 8 này.
Ông Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng, cho biết: “Hãng mới nhận quyết định được cấp tiền từ quý 2-2012. Số tiền nhận được tuy đúng với dự toán ban đầu nhưng lỗi thời với thực tế làm phim trong thời điểm hiện tại vì kế hoạch và dự toán được làm từ năm 2009. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn phải cố gắng làm phim theo kiểu liệu cơm gắp mắm và dự kiến phim sẽ kịp hoàn thành để tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vào tháng 11 này”. Kế hoạch của năm 2009, đến năm 2012 mới triển khai thực hiện, nhưng không thấy cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm?
Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho
Đã từ lâu, các hãng phim nhà nước (nay đã được cổ phần hóa, nhà nước chỉ giữ 60% cổ phần) không còn trông chờ vào việc làm phim theo “đơn đặt hàng” của nhà nước và phim được nhà nước cấp kinh phí. Cứ nhìn vào thực tế để thấy, kế hoạch làm phim thường được “gối” từ năm này sang năm kia; cá biệt có phim phải chờ đến cả chục năm mới sản xuất được như Mùi cỏ cháy.
Lãnh đạo một hãng phim nhà nước từng than thở: “Nếu cứ chờ phim theo kế hoạch của nhà nước, lấy được kinh phí do nhà nước cấp, anh em trong hãng phim chắc không thể sống nổi. Bao năm qua, chúng tôi phải linh động gia công làm phim cho bên ngoài hoặc nhắm mắt để anh em trong hãng đi “đánh thuê” cho các hãng phim tư nhân”. Nói về việc chậm trễ khi triển khai làm phim, đạo diễn Vương Đức cho biết: “Chúng tôi phải giải quyết bài toán khó - làm phim chiến tranh nhưng phải hấp dẫn, vì thế rất cần thời gian và tiền bạc”.
Khi các hãng phim tư nhân linh hoạt, nhạy bén, chủ động trong việc làm phim, phát hành phim thì các hãng phim nhà nước vẫn bị ràng buộc bởi cơ chế xin - cho và hàng loạt thủ tục xét duyệt nhiêu khê, khiến tốc độ làm phim ì ạch. Thời gian chờ đợi từ khi kịch bản được duyệt đến khi hãng phim nhận được tiền sản xuất quá lâu, khiến giá thành phim đội lên khác xa dự toán ban đầu, nhiệt huyết của anh em nghệ sĩ cũng cạn dần. Thêm vào đó, sự lúng túng, thiếu chuyên nghiệp trong khâu phát hành khiến số phận các bộ phim do nhà nước đầu tư thường ra rạp trong thời gian ngắn ngủi rồi rơi vào… im lặng! Liệu có cần tồn tại một cơ chế gây lãng phí tiền bạc và trí tuệ như thế?
Như Hoa