Instagram đấu tranh với tin giả

Việc lan truyền hình ảnh và video dựa trên thông tin giả mạo đang đặt ra thách thức ngày càng lớn trong ngành truyền thông kỹ thuật số giai đoạn hiện nay. 
Instagram đấu tranh với tin giả

Nhằm ngăn chặn hoạt động này, Instagram, ứng dụng thuộc mạng xã hội Facebook, quyết định mở rộng mạng lưới kiểm chứng thông tin trên thế giới, qua đó tăng quy mô cuộc chiến chống tin giả ra toàn cầu. 

Mạng lưới trên đã được khởi động tại Mỹ thông qua việc phối hợp với các tổ chức để giúp xác thực, đánh giá và gắn mác là tin giả. Trước đó, Facebook đã mở mạng lưới với phiên bản của riêng mình từ tháng 12-2016. Khoảng 60 hãng truyền thông, trong đó có các hãng tin tức và tổ chức kiểm chứng thông tin chuyên nghiệp, đang làm việc cho chương trình của Facebook. Theo chương trình này, nội dung bị xếp hạng là giả mạo sẽ lập tức bị đẩy xuống phía dưới bảng tin (news feeds) trên Facebook để đảm bảo rằng sẽ có ít người nhìn thấy những tin này hơn. Nếu ai đó tìm cách chia sẻ một bài viết đã bị phát hiện là giả hoặc nhầm lẫn, Facebook sẽ gửi tới họ bài viết đã được xác minh sự thật. 

Hiện Instagram sử dụng các phương pháp tương tự. Nội dung bị cho là giả mạo sẽ bị loại khỏi kết quả tìm kiếm của Instagram hoặc các công cụ khuyến cáo và được hiển thị cùng với một dấu cảnh báo nếu người sử dụng lướt qua nó. Instagram cho biết: “Nội dung giả sẽ bị gắn mác để mọi người có thể quyết định tốt hơn việc chọn cái mà họ đọc, tin tưởng và chia sẻ”.

Nếu một bài viết bị phát hiện là lừa đảo, phần mềm sẽ tìm kiếm nó trên toàn bộ nền tảng Instagram để gắn mác phù hợp. Instagram sẽ sử dụng công nghệ gắn hình ảnh để tìm kiếm các trường hợp khác của nội dung này và gắn mác, qua đó giảm sự lan truyền của tin giả. Bên cạnh đó, những nội dung bị gắn mác là giả mạo trên Facebook cũng sẽ tự động được xác định là giả mạo nếu nội dung này được đăng tải trên Instagram, và ngược lại.

Tin cùng chuyên mục