
Khác với mọi năm, năm nay cuộc họp thượng đỉnh G-8 được thế giới chú ý hơn do có thêm các chương trình ca nhạc Live 8 (tổ chức ở 8 nước thành viên G-8) nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo G8 quan tâm đến công tác chống đói nghèo. Những tưởng chương trình Live 8 thu hút được hàng tỷ khán giả theo dõi cùng với sự kiện biểu tình lớn của hơn 200.000 người tại Gleneagles (Scotland, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-8) ngày 3-7 sẽ tác động mạnh đến các nhà lãnh đạo G-8.

An ninh được thắt chặt cho hội nghị thượng đỉnh G8.
Tuy vậy, ngày 4-7, Tổng thống Mỹ George Bush đã dội gáo nước lạnh vào không khí lạc quan của Live 8 bằng tuyên bố: “Tôi đến dự cuộc họp G8 không phải để Thủ tướng (Tony Blair) đánh giá tốt hay xấu về tôi; nhưng tôi nghĩ tôi tới đó với một chương trình nghị sự có lợi nhất cho đất nước chúng tôi”.
Tổng thống Bush không quên nhắc lại rằng mặc dù tiền viện trợ nước ngoài của Mỹ chỉ chiếm 0,2% GDP của nước này nhưng Mỹ vẫn là nước đóng góp cho châu Phi nhiều nhất thế giới.
Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng không mặn mà gì với kế hoạch của Thủ tướng Anh Tony Blair nhằm tăng viện trợ gấp đôi cho châu Phi trong vòng 5 năm tới. Ông Schroeder từ chối tăng thêm ngân sách dành cho châu Phi từ 1,8 tỷ euro/năm lên 2,4 tỷ euro/năm.
Rất dễ nhận thấy rằng cả Tổng thống Bush và Thủ tướng Schroeder đang trong tình thế khó khăn để mở thêm hầu bao. Tổng thống Bush đang cần dồn tiền cho Iraq trong khi Thủ tướng Schroeder đang lo trụ lại vị trí của mình trong cuộc bầu cử sớm sắp tới và vấn đề giảm chi tiêu của chính phủ đang là đòi hỏi có tính sống còn đối với Thủ tướng Schroeder. Tổng thống Pháp Jacques Chirac vốn đang “không cùng thuyền” với Thủ tướng Anh trong vấn đề trợ cấp nông nghiệp trong EU cũng khó chấp thuận kế hoạch tăng viện trợ cho châu Phi của Thủ tướng Anh Tony Blair.
Vấn đề tăng viện trợ cho châu Phi xem như bế tắc, một thỏa hiệp về Nghị định thư Kyoto xem ra cũng chẳng khá hơn. Mặc dù Tổng thống Bush tuyên bố đồng ý với quan điểm cho rằng vấn đề thay đổi khí hậu là vấn đề lâu dài cần thiết để các nước thỏa thuận với nhau, nhưng khi được hỏi rằng Mỹ có ủng hộ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay không thì Tổng thống Bush nói: “Một thỏa thuận về cắt giảm khí thải tương tự như Nghị định thư Kyoto thì không. NĐT Kyoto sẽ làm hỏng nền kinh tế chúng tôi”.
Riêng vấn đề xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp, Tổng thống Bush cho rằng đừng đòi hỏi Mỹ xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp trừ khi EU có hành động tương tự.
Tóm lại, chủ đề “châu Phi” cũng như những biện pháp xóa đói giảm nghèo và cải thiện môi trường trên toàn cầu của Thủ tướng Anh Tony Blair vẫn là ước muốn. Nó được đưa ra trong bối cảnh các nước G-8 đang còn loay hoay giải quyết các vấn đề của riêng mình.
VŨ MINH (Theo The Guardian)