Trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây, có bốn trong số năm cử tri người Mỹ gốc Phi tỏ ra không quan tâm đến ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, chỉ có 6% cử tri gốc Phi cảm thấy dễ chịu khi ông Trump làm Tổng thống. Tại Ohio, không có cử tri người Mỹ gốc Phi nào muốn bỏ phiếu cho tỷ phú Trump. Những tỷ lệ này đang cho thấy, kế hoạch lấy thêm lá phiếu từ các cử tri gốc Phi của ông Trump sẽ không dễ dàng.
Theo giới phân tích, so với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Trump đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lấy lòng những cử tri người Mỹ gốc Phi. Trong quá khứ, ông Trump thậm chí còn có những phát ngôn đụng chạm đến họ. Hồi tháng 11-2015, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa tuyên bố ít nhất 100 mục sư người Mỹ gốc Phi sẽ ủng hộ ông tại một cuộc họp tại tháp Trump ở New York nhưng trên thực tế có đến hơn 100 mục sư cho biết họ không ủng hộ ông Trump. Nhận thấy bất lợi của mình khi vòng bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ đang đến gần, cuối tuần qua, ông Trump đã mạnh miệng tuyên bố muốn sát cánh với cử tri người Mỹ gốc Phi, rằng họ xứng đáng có hơn những gì thứ mà họ đang sở hữu. Trong một động thái mà tờ Christian Science Monitor mô tả như là “một kế hoạch chuộc lỗi”, ông Trump kêu gọi trực tiếp các cử tri gốc Phi bỏ phiếu cho mình, thúc giục họ từ bỏ đảng Dân chủ và cho ông một cơ hội. Cũng nhằm tăng thêm lợi thế, ông Trump chĩa mũi dùi sang bà Hillary Clinton, cáo buộc bà chỉ nhìn nhận người Mỹ gốc Phi như những lá phiếu, không phải là những con người xứng đáng với một tương lai tốt đẹp hơn.
Hầu hết các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông Trump thua bà Hillary về số cử tri gốc Phi. Ứng viên đảng Dân chủ còn đang nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của Tổng thống Barack Obama - vị Tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Vào năm 2012, ông Obama đã giành khoảng 90% phiếu bầu của cử tri gốc Phi trong chiến dịch tái tranh cử. Bà Hillary còn có lợi thế khác là từng nhận được sự ủng hộ của người gốc Phi trong thời gian làm Đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Một số cử tri gốc Phi từng cho biết, bỏ phiếu để ông Trump vào Nhà Trắng cũng chẳng khác gì chối bỏ việc nước Mỹ từng có một Tổng thống gốc Phi thuộc đảng Dân chủ. Giới phân tích chính trị cũng chỉ ra rằng, lý do các ứng viên Dân chủ nhận được sự ủng hộ của cử tri gốc Phi nhiều hơn là do các cử tri thích cách họ điều hành công việc và sự đấu tranh cho quyền lợi của những người lao động.
Tuy nhiên, cơ hội cho ông Trump vẫn còn. 93% cử tri gốc Phi từng cho rằng ông Obama sẽ làm rất tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ thứ hai nhưng con số này đã có xu hướng giảm vào những ngày cuối cùng trước khi ông Obama kết thúc công việc. Trong khi đó, tình trạng phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ vẫn còn tồn tại. Theo Cục dự trữ Liên bang Mỹ, số tài sản tích lũy của người gốc Phi dưới thời ông Obama cũng giảm dần. Từ năm 2007 đến năm 2010, tài sản của người Mỹ gốc Phi giảm khoảng 13,5%, con số này là 34% trong 4 năm sau đó.
Thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump và bà Hillary hiện là 37% và 41%. Đây là con số rất sít sao nên nếu kế hoạch mới của ông Trump thành công, ông Trump vẫn có khả năng giành lấy lợi thế chạy đua vào Nhà Trắng.
THANH HẰNG