"Kéo" 8 triệu du khách về Quảng Bình

Quảng Bình đang xây dựng chiến lược thu hút 8 triệu du khách về với địa phương nhằm phát triển du lịch đa diện, bền vững. Từ tài nguyên thượng hạng của vương quốc hang động đến nguồn lực hạ tầng, từ ngành du lịch đến tất cả người dân đều chung tay để đón du khách. Bởi mỗi ly cà phê hay bất cứ thứ gì phục vụ du khách, đều có cơ hội việc làm cho rất nhiều người.

Lan tỏa lên không gian web3, blockchain

Theo kế hoạch, vào năm 2025, du lịch Quảng Bình sẽ đón 8 triệu du khách trong và ngoài nước. Dân số Quảng Bình thời điểm đó xấp xỉ 1 triệu người. Trung bình một người dân Quảng Bình phục vụ 8 du khách.

Trên thực tế, đó là con số được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí khách trở lại, đến lần đầu, điểm đến hấp dẫn của vùng đất có nhiều kỳ quan tự nhiên và con người bình dị, hiếu khách… Điều quan trọng nhất phải có chiến lược truyền thông.

Dự án "Sơn Đoòng, vũ trụ ảo" trên tạp chí National Geographic

Dự án "Sơn Đoòng, vũ trụ ảo" trên tạp chí National Geographic

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết: "Thời gian tới, du lịch Quảng Bình tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Phấn đấu xây dựng Quảng Bình thành một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, tạo đà bền vững trung hạn và dài hạn”.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Sở Du lịch Quảng Bình nêu: “Không gian Quảng Bình là tổng hòa yếu tố con người, tự nhiên, cảnh trí, lịch sử. Chúng tôi muốn đưa hình ảnh, danh thắng, lịch sử, ký ức vùng đất Quảng Bình lên các nền tảng mạng xã hội hiện có và sắp tới là nền tảng web3, blockchain (chuỗi khối). Ở đó, du khách tương tác mọi mặt với Quảng Bình nhằm tạo những phản hồi tốt và cả chưa tốt để sửa chữa, tối ưu hóa điểm tích cực tạo lan tỏa không gian Quảng Bình trong lòng du khách”.

Du khách tham quan động Thiên Đường tháng 7-2023

Du khách tham quan động Thiên Đường tháng 7-2023

Quảng Bình đã có kinh nghiệm quảng bá hình ảnh lên các tạp chí lớn như The New York Times, Huffington post, Smithsonian, Guinness world records, National Geographic, Google…

Đặc biệt, vào năm 2015, phóng viên của National Geographic là Martin Edström đã đến Sơn Đoòng dùng kỹ thuật chụp ảnh với loạt máy ảnh tân tiến, quét 360 độ với không gian Sơn Đoòng và cánh rừng bên ngoài hang động lớn nhất thế giới cho người dùng vũ trụ ảo trải nghiệm. Dự án đã thu hút hàng triệu người trên thế giới xem khi không có điều kiện mua vé xem Sơn Đoòng.

Hiện tại, dự án này vẫn thu hút người dùng với tiếng chim hót, tiếng nước chảy, tiếng gió rít bên trong Sơn Đoòng được ghi lại một cách nguyên sơ. Vậy nên, người ta tin rằng, không gian nơi này sẽ được đưa lên chuỗi khối và web3 là điều dễ thấy trong nay mai.

Tập trung đầu tư phát triển du lịch

Để đón làn sóng du khách, Quảng Bình đã quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tập trung đầu tư phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, ngành cũng tập trung triển khai các nội dung về du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; huy động tổng hợp các nguồn lực và thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, từng bước hiện đại, như: đường cao tốc Đồng Hới - Phong Nha; Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao ven biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên chủ đề tại Phong Nha - Kẻ Bàng...

Quảng Bình có nhiều lễ hội từ miền núi đến đồng bằng và làng biển

Quảng Bình có nhiều lễ hội từ miền núi đến đồng bằng và làng biển

Còn ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nói: “Với việc các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp đổ vào du lịch, xây dựng khách sạn, hạ tầng đi lại, phát triển mở rộng sân bay Đồng Hới, việc đón 8 triệu du khách trong thời gian tới là điều trong tầm tay”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Bình sẽ cho rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư công trong lĩnh vực du lịch để đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, tạo kết nối thuận lợi giữa các khu, điểm, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành phố phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh việc lan tỏa chương trình “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch bền vững. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá...”.

Làng quê Minh Hóa, Quảng Bình hiền hòa

Làng quê Minh Hóa, Quảng Bình hiền hòa

Tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực của Trung ương từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế... Quảng Bình đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch...

Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Hòn La, Cảng Gianh, bến thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch theo tuyến Nhật Lệ - Long Đại và tuyến sông Gianh - sông Son.

Đa dạng điểm đến

Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, du lịch Quảng Bình đẩy mạnh nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các dịch vụ hỗ trợ, các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, dịch vụ du lịch ban đêm.

Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm đường sông trên các tuyến thủy nội địa, như: Sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Long Đại, sông Son, sông Kiến Giang, quanh hồ thành Đồng Hới.

Người dân tìm hiểu về du lịch Quảng Bình

Người dân tìm hiểu về du lịch Quảng Bình

Theo ông Trần Thắng, trong các lần tiếp xúc với doanh nghiệp đều nêu rõ: “Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, vì đây là những chủ thể tiếp xúc trực tiếp với du khách, góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh, dấu ấn và bộ mặt du lịch Quảng Bình.

Cùng đó, lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành cần chú trọng tăng cường hơn nữa sự kết nối, chia sẻ thông tin, đồng hành giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo đà phát triển xứng với tiềm năng sẵn có”.

Nên xây dựng đại sứ du lịch từ trong trường học, chỉ cần kể về một câu chuyện quê hương bản quán đã là góp phần cho phát triển du lịch

Nên xây dựng đại sứ du lịch từ trong trường học, chỉ cần kể về một câu chuyện quê hương bản quán đã là góp phần cho phát triển du lịch

Quảng Bình cũng coi trọng việc xây dựng hình ảnh từ chính người dân, mỗi người dân là một đại sứ du lịch. Ông Trà Văn Anh, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng cho biết: “Tôi tâm đắc việc xây dựng mỗi người dân là một đại sứ du lịch. Bởi người dân Quảng Bình chất phác, hiếu khách, thân thiện. Nhưng chính sách xây dựng đại sứ du lịch cần cụ thể hóa. Ví dụ, nếu có du khách lỡ đường dân cho trọ, hoặc chưa đến được nơi vệ sinh công cộng, người dân sẵn lòng mở cửa nhà vệ sinh cho du khách, đó là một hình ảnh đẹp và càng thân thương hơn khi nhiều nhà cũng đồng lòng như thế. Từ những việc nhỏ được ứng xử rộng rãi, thành sự thiện tình, tôi tin du lịch Quảng Bình sẽ là điểm lựa chọn hàng đầu của mỗi chuyến đi trong lòng du khách”.

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ một nhà hàng ở Đồng Hới nói: “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch tưởng dễ mà rất khó. Từ lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử đều phải học. Địa phương cần phổ biến về thôn xóm, khu dân cư, trường học các cấp. Nếu mọi việc trở thành thói quen, mở được nhà vệ sinh cho du khách sử dụng trở thành thường xuyên sẽ là một dấu ấn thân thiện. Một việc nhỏ, để lại ấn tượng lớn”.

Tin cùng chuyên mục