Kết luận thanh tra tại Vietnam Airlines: Nhiều sai phạm do quản lý lỏng lẻo

Tài trợ trái phép hơn 4 tỷ đồng cho con cán bộ đi du học
  • Tháng 9 phải báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm

Nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký bản thông báo kết luận của Thủ tướng sau khi nghe Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả thanh tra tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA). Điều đáng nói là công tác quản lý tại đây rất sơ hở, làm phát sinh hàng loạt sai phạm với số tiền sai phạm không nhỏ.

Tài trợ trái phép hơn 4 tỷ đồng cho con cán bộ đi du học

Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì đã thanh tra, ra kết luận về các lĩnh vực: công tác đào tạo; tài chính; thuê, mua máy bay; mua sắm, quản lý vật tư phụ tùng máy bay; sửa chữa động cơ máy bay; mua sắm thiết bị tin học; tổ chức hoạt động bán vé tại tổng công ty. Kết quả thanh tra cho thấy, tất cả các nội dung thanh tra đều phát hiện sai phạm. Đáng quan ngại là VNA là tổng công ty lớn, mỗi dự án, hạng mục nhỏ đều liên quan đến tiền tỷ đồng, triệu USD nhưng công tác quản lý ở đây rất lỏng lẻo làm phát sinh nhiều sai phạm.

Qua thanh tra phát hiện VNA đã mua 4 máy bay Boeing 777 với số tiền rất lớn, dù đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay tổng công ty vẫn chưa kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị và chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán, thanh lý và chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Kết quả thanh tra việc sử dụng kinh phí đào tạo tại nước ngoài cho thấy, việc xét tuyển và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 24 học viên (trong đó có một số con em, cán bộ lãnh đạo ngoài VNA – SGGP đã đưa tin) đi du học không đúng đối tượng, không đủ tiêu chuẩn theo quy định của VNA. Số tiền tài trợ du học trái phép là 266.483 USD và 87 triệu đồng (tổng cộng hơn 4 tỷ đồng).

Thủ tướng yêu cầu VNA hủy bỏ việc đài thọ và thu hồi khoản kinh phí trên. Về sai phạm này, HĐQT và Tổng giám đốc VNA phải kiểm điểm nghiêm túc. Đồng thời rà soát ban hành quy chế đào tạo mới theo đúng quy định.

Liên tục bị mất thêm tiền vì bất tuân lệnh Thủ tướng!

Trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng thuê, trả máy bay năm 2003-3004, VNA đã có nhiều hạn chế như chưa thực hiện đúng quy định, trả chậm máy bay nên bị đối tác phạt; thay đổi địa điểm trả máy bay là phát sinh thêm chi phí. Việc sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay còn nhiều thiếu sót, hạn chế dẫn đến tăng chi phí. Tổng công ty chưa chủ động trong kế hoạch khai thác, thuê, trả máy bay và bảo dưỡng, sửa chữa động cơ.

Kết quả thanh tra công tác thanh toán, quyết toán chi phí cho các đoàn đi nước ngoài và tài chính khối tập trung cho thấy: do công tác quản lý không chặt chẽ, thiếu quy định cụ thể nên dẫn đến chi không đúng đối tượng, chi trùng. Thủ tướng yêu cầu tổng công ty phải thu hồi đầy đủ khoản tiền chi trùng cho các đoàn đi công tác (nhiều cán bộ, lãnh đạo VNA được thanh toán công tác phí hai lần trong cùng một chuyến công tác - PV). Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống theo dõi thanh toán, trách nhiệm của người duyệt chi, người thực hiện và người hưởng công tác phí không đúng. Thủ tướng cũng đồng ý với phân tích của Bộ Tài chính về một số nội dung chưa đúng quy định như kết luận thanh tra đã chỉ ra như: thanh toán vượt mức chế độ bồi dưỡng phục vụ chuyên cơ; chi bổ sung công tác phí không có trong chế độ; chi tiếp khách không rõ đối tượng; chi tặng quà không có danh sách… Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ thống nhất xử lý các sai phạm nêu trên…

Tương tự, công tác mua sắm, quản lý vật tư phụ tùng máy bay còn chưa chặt chẽ, phát sinh một số sai phạm như mua vượt so với phân cấp. Một số trang thiết bị phục vụ hành khách trên máy bay bị mất mà không rõ lý do.

Hơn nữa, VNA cũng chưa ban hành đủ các quy định về mua sắm, quản lý vật tư, phụ tùng dẫn đến có thể bị độäng trong cung ứng và ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác máy bay.

Thực ra, VNA hoàn toàn có thể giảm thiểu các khoản tiền bị mất, bị phát sinh nếu sớm ban hành các quy chế và siết chặt quản lý. Tuy nhiên, “việc thuê máy bay, sửa chữa, bảo dưỡng động cơ, mua sắm, quản lý vật tư phụ tùng máy bay là lĩnh vực có đặc thù riêng.

Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo nhưng tổng công ty chưa trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định để quản lý dẫn đến thực hiện thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng, minh bạch”, trích kết luận của Thủ tướng. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tổng công ty kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm đối với từng cá nhân trong các sai phạm nêu trên.

Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng cấp pháp, miễn giảm cước không đúng quy định, sớm hoàn thiện quy chế về quản lý rủi ro trong kinh doanh. Yêu cầu trên được đưa ra sau khi thanh tra phát hiện có tình trạng cấp phát vé cho các văn phòng đại lý vượt quá số tiền đặt cọc, bảo lãnh dẫn đến rủi ro khi đại lý không có khả năng thanh toán, việc xử lý các khoản công nợ vé chưa kịp thời. Tại các văn phòng khu vực trong nước vẫn còn tình trạng quản lý, cấp phát vé, chứng từ vận tải vượt quá số tiền đặt cọc; cấp phát, khuyến mại vé không đúng quy định và chính sách khuyến mại của tổng công ty…

Từ những sai phạm đã nêu, Thủ tướng yêu cầu HĐQT, lãnh đạo tổng công ty tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân sai phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 9.

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục