Kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong đấu thầu: Lạm dụng chỉ định thầu, kiểm tra làm rõ một số gói thầu

Ngày 10-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng quý 3-2012. Các Phó Tổng TTCP: Lê Tiến Hào, Ngô Văn Khánh chủ trì buổi họp báo. Tại đây, TTCP đã công bố kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH-ĐT trong việc thực hiện Luật Đấu thầu.

Ngày 10-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng quý 3-2012. Các Phó Tổng TTCP: Lê Tiến Hào, Ngô Văn Khánh chủ trì buổi họp báo. Tại đây, TTCP đã công bố kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH-ĐT trong việc thực hiện Luật Đấu thầu.

Chỉ định thầu bất thường

Theo kết luận này, nhiều gói thầu, dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, cần được tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc áp dụng các hình thức lựa chọn khác của quy định Luật Đấu thầu, nhưng một số bộ ngành, địa phương vẫn đề nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức chỉ định thầu, không phù hợp với mục tiêu của công tác đấu thầu. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT vẫn chưa tích cực tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để có biện pháp chấn chỉnh.

Có một số dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được bố trí vốn, chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, lý do không hợp lý, các cam kết về vốn, về tiến độ không khả thi nhưng quá trình thẩm định không được bộ phân tích, làm rõ, kiến nghị báo cáo Thủ tướng (một số dự án giao thông cấp bách xử lý ùn tắc giao thông, dự án phục vụ 1.000 năm Thăng Long...). Việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng công trình cho nhà thầu là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tại dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An do Sở VH-TT-DL Ninh Bình làm chủ đầu tư còn bất hợp lý, không phù hợp về tiến độ dự án, gây thiệt hại cho ngân sách…

Đáng chú ý, kết luận này chỉ rõ tình trạng phổ biến ở một số địa phương và Bộ GTVT là đã chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu như doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK... Việc chỉ định thầu bất thường này đã dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính, không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ của gói thầu, dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, gây bức xúc ở địa phương, đặc biệt là các dự án giao thông.

Thanh tra cũng chỉ rõ, các dự án nằm trong danh mục chỉ định thầu chủ yếu sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hầu hết chưa được bố trí đủ vốn (phần lớn là trong khoảng từ 20% - 60% giá gói thầu). Trên thực tế, các bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đúng cam kết bố trí đủ vốn khi trình văn bản xin phép chỉ định thầu. Một số dự án đầu tư còn vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực của trung ương cũng như địa phương nên dẫn đến không có khả năng thực hiện dự án, hoặc dự án bị kéo dài quá lâu và lấy lý do đó làm nguyên nhân xin áp dụng chỉ định thầu, yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công sai quy định của Luật Đấu thầu. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu chưa được quan tâm đúng mức, tổng số các cuộc thanh tra về đấu thầu chưa được nhiều. Trung bình, mỗi năm Bộ KH-ĐT chỉ tổ chức được 1 - 2 cuộc thanh tra chuyên về đấu thầu.

TTCP cũng kết luận, tình trạng đấu thầu hình thức vẫn tiếp diễn, xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu vẫn diễn ra phổ biến ở các cấp ngành. “Nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, vi phạm này liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu... chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu và công tác quản lý nhà nước về đấu thầu theo thẩm quyền.

Đề nghị rà soát các gói thầu có dấu hiệu không minh bạch

Từ kết luận này, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã chỉ định thầu sai với chỉ đạo của Thủ tướng phải tổ chức thực hiện việc kiểm điểm; chỉ đạo các địa phương Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bộ GTVT kiểm tra, rà soát lại để báo cáo Thủ tướng các gói thầu có dấu hiệu không minh bạch trong việc chỉ định thầu, tạm ứng sai quy định, bất hợp lý gây thiệt hại cho ngân sách.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT tổ chức rà soát, kiểm tra lại các gói thầu, dự án trước đây đã được Thủ tướng phê duyệt áp dụng chỉ định thầu, nhưng đến nay các bộ ngành, địa phương chưa tiến hành thủ tục chỉ định thầu, hoặc đã chỉ định thầu nhưng chưa thi công cần chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi. Đối với các gói thầu chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký và chậm tiến độ so với cam kết khi được chỉ định thầu cần thiết cho tiến hành thanh lý hợp đồng và chuyển sang hình thức khác phù hợp. Thủ tướng cần ban hành văn bản quy định cụ thể việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ và minh bạch trong công tác đấu thầu.

TTCP cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm về công tác đấu thầu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ dự án, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu giúp bộ trưởng quản lý nhà nước về đấu thầu.

Theo TTCP, từ nay, kết luận thanh tra sẽ được công khai trong họp báo thường kỳ và đăng trên Cổng thông tin Chính phủ

Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, trong quý 3-2012, TTCP đã ban hành 2 kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất đai tại Hà Nội (đang chờ kết luận cuối cùng của Thủ tướng); việc thực hiện pháp luật khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng trong quý 3, TTCP đã hoàn thiện 10 kết luận thanh tra, xây dựng báo cáo kết quả 7 cuộc thanh tra, thành lập và triển khai 2 đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật tại Kho bạc Nhà nước Việt Nam và việc thực hiện đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện giai đoạn 2008 - 2010 tại Bộ Y tế và UBND các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Riêng về việc thực hiện kiểm tra, rà soát để giải quyết 528 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, TTCP cho biết đã triển khai 19 tổ công tác rà soát tại 36 tỉnh, thành phố. Các bộ TN-MT, Xây dựng, LĐTB-XH triển khai 9 tổ công tác rà soát tại 11 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã rà soát được 389 vụ việc, đạt tỷ lệ 73,6%, trong đó 280 vụ việc đã có phương án giải quyết thống nhất giữa bộ, ngành trung ương và địa phương.

PH.THẢO

Tin cùng chuyên mục