* 162 người chết vì tai nạn giao thông
(SGGP).- Ngày 3-5, rất đông người đến bến xe ở các tỉnh ĐBSCL để đi TPHCM sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, khiến nơi đây trở nên quá tải, cháy vé, nhiều người phải chờ đợi lâu. Ông Nguyễn Văn Thành (45 tuổi, ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) phản ánh: “Mới sáng sớm nhưng ở Hậu Giang hết xe đi TPHCM, tôi phải đi xe buýt lên Cần Thơ để tiếp tục kiếm xe đi TPHCM để làm việc vào ngày thứ hai 4-5. Tới đây, mua được vé xe Vũ Linh lúc 10 giờ nhưng nhà xe bảo chờ tới 3 giờ chiều mới có xe đi”. Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, 56 tuổi ở TP Cà Mau nói: “Sáng nay ở Cà Mau, các chuyến xe đi TPHCM đều không còn ghế. Vì thế tôi và vợ đón xe Phương Trang lên Cần Thơ để tiếp tục tìm vé xe đi TPHCM. Thế nhưng lên tới Cần Thơ, thì các hãng xe cũng hết vé đi ban ngày, phải chờ tối mới có xe”.
Ông Nguyễn Đình Sửu, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: Công ty đã huy động tối đa phương tiện phục vụ với số lượng 900 - 1.000 lượt xe (25 - 46 chỗ) để phục vụ hành khách… Trong dịp nghỉ lễ này, có 15.000 - 17.000 lượt khách qua bến xe Cần Thơ mỗi ngày.
Tính đến 18 giờ ngày 3-5, thống kê sơ bộ của Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, đã có hàng chục ngàn lượt hành khách lần lượt đổ về các bến xe… để trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ.
Tại ngã tư Thủ Đức, vào lúc 17 giờ 30 ngày 3-5, hàng đoàn xe gắn máy nối đuôi nhau rồng rắn chạy vào khu vực nội thành TPHCM. Tương tự, trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn từ Long An hướng vào TPHCM), lượng người và xe qua lại khá đông. Trên mỗi chiếc xe gắn máy chở lỉnh kỉnh đủ loại, nào là ba lô, túi xách, quà quê các loại… Dù lưu lượng xe trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ có đông đúc, tấp nập hơn hẳn nhưng giao thông tại các cửa ngõ TP chỉ chậm chứ không ùn tắc. Nhiều người dân chia sẻ, do kỳ nghỉ lễ dài cộng với tâm lý lo ngại kẹt xe vào giờ cao điểm như những năm trước, nên đã chủ động trở về TP sớm hơn, từ ngày 1 và 2-5. Do vậy, đã hạn chế phần nào tình trạng kẹt xe cục bộ tại các tuyến đường “nóng” vào ngày cuối kỳ nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó phòng điều hành Bến xe miền Tây, cho biết trong suốt kỳ nghỉ lễ bến xe đã phục vụ 250.937 lượt hành khách, tăng hơn 40.000 lượt hành khách so với cùng kỳ năm 2014. Chỉ riêng trong ngày 3-5, bến xe đón từ 30.000 - 40.000 lượt hành khách. Còn ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông ước tính, có khoảng 37.000 - 40.000 lượt hành khách đổ về TP trong cả ngày và đêm 3-5.
Tại TP Huế, sáng 3-5, hành khách đổ xô đến các bến xe để mua vé trở lại nơi làm việc hoặc học tập sau kỳ nghỉ lễ. Tại các quầy bán vé bến xe phía Nam TP Huế, khách vào bến khá đông, song không xảy ra tình trạng lộn xộn như các năm trước. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, nhu cầu đi lại của hành khách tại bến xe này đã cơ bản được giải quyết. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý bến xe Thừa Thiên - Huế, cho biết trong 2 ngày 2 và 3-5, khoảng 4.000 lượt khách đến bến xe mua vé, tăng hơn 20% so với ngày thường, chủ yếu đi Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên và TPHCM. Đơn vị đã tăng cường thêm 10 phương tiện mỗi ngày đối với tuyến từ Huế đi các tỉnh phía Nam. Riêng tuyến Huế - Đà Nẵng cứ 10 phút có một lượt xe xuất bến.
Ngay từ đầu giờ sáng tại các bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đã rất đông người dân và phương tiện của các tỉnh, thành đổ về thủ đô. Cùng với đó trên các tuyến đường cửa ngõ của Hà Nội như: Pháp Vân Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 3, quốc lộ 5, quốc lộ 32, đường trên cao vành đai 3, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Giải Phóng... lượng phương tiện hướng vào nội đô cũng tăng đột biến.
* Một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific… thông tin, trong kỳ nghỉ lễ, hầu hết người dân đi du lịch đều đã mua vé khứ hồi, nên tình trạng “cháy” vé không xảy ra. Bên cạnh đó, phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết do làm tốt công tác chuẩn bị, cũng như lường trước được các tình huống sẽ xảy ra trong kỳ nghỉ lễ kéo dài, nên nhìn chung, tình hình giao thông trên cả nước khá thông thoáng.
Đông đảo người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ.
* Ngày 3-5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 3-5, cả nước xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 30 người chết, bị thương 32 người. Trong đó, TNGT đường bộ 49 vụ, làm 28 người chết, bị thương 32 người; đường thủy 2 vụ, làm 2 người chết.
Tính chung trong 6 ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 263 vụ TNGT, làm 162 người chết, bị thương 184 người, mất tích 3 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày xảy ra gần 44 vụ, làm 27 người chết và gần 31 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 249 vụ, làm 150 người chết, bị thương 183 người; đường thủy xảy ra 11 vụ, làm 10 người chết, mất tích 3 người; đường sắt xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết, bị thương 1 người. Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.662 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp kho bạc nhà nước gần 17 tỷ đồng, tạm giữ 183 ô tô, 7.253 mô tô, tước 1.452 giấy phép lái xe.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, dịp nghỉ lễ vừa qua, tình hình trật tự ATGT được bảo đảm, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, số người chết vì TNGT tăng so với bình quân ngày của đợt nghỉ lễ năm trước; TNGT đường thủy tăng cao, xảy ra một vụ va chạm giữa tàu chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và tàu chở hàng, rất may không có thiệt hại về người; xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu liên quan đến mô tô, do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông như chạy quá tốc độ, lấn đường, đi mô tô không đội nón bảo hiểm, chở 3 - 4 người... Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vận tải đường bộ; tình trạng xe khách chở quá số người, nhồi nhét khách, thu vé cao diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ.
|
NHÓM PV