Dự thảo Luật Đầu tư chung

Khá rắc rối và còn nhiều bất hợp lý

Khá rắc rối và còn nhiều bất hợp lý

Khi biết Chính phủ sẽ xây dựng một bộ luật thống nhất về đầu tư, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, bản dự thảo Luật Đầu tư chung mới nhất đang gặp khá nhiều phản ứng từ phía cộng đồng doanh nghiệp. PV Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến xung quanh dự án luật này.

  • Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI): Quá nhiều cơ quan thanh tra
Khá rắc rối và còn nhiều bất hợp lý ảnh 1

Khu đô thị Nam Sài Gòn

Bản dự thảo Luật Đầu tư chung có khá nhiều hạn chế so với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước hiện hành. Đáng chú ý trong đó là về quy định thanh tra đầu tư chuyên ngành. Đây là vấn đề mới mà Luật Khuyến khích đầu tư trong nước không quy định. Hiện có rất nhiều cơ quan thanh tra doanh nghiệp như thanh tra, tài chính, thuế, môi trường, xây dựng,...

Ngoài ra còn có các cơ quan thanh tra chuyên ngành như thanh tra về chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, hàng hải... Theo dự thảo sẽ có thanh tra đầu tư với mục đích thanh tra các dự án đầu tư. Như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo, có thể dẫn đến tiêu cực. Hơn nữa vấn đề hiệu quả của dự án đầu tư, vấn đề chi tiêu sử dụng vốn, đấu thầu... là thuộc nội bộ doanh nghiệp.

  • Ông NGUYỄN KHẮC PHỤNG, Công ty Tư vấn CIBUD: Chưa xác định tiêu chí chung

Tôi thấy bộ luật khá rắc rối so với nhiều bộ luật mà tôi có dịp nghiên cứu. Luật là sự tập hợp nhiều luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư nhưng lại không xác định được các tiêu chí thống nhất, đặc biệt là tiêu chí “chung”. Cụ thể, về mặt quản lý nhà nước về đầu tư, từ chương VI trở đi, luật đã phân loại dự án, lập dự án, thủ tục đầu tư, cấp giấy phép đầu tư, các nội dung quản lý đều lấy tiêu chuẩn của dự án dùng nguồn vốn nhà nước buộc các dự án khác phải tuân theo “trừ dự án phổ thông”.

  • Luật sư TRẦN VŨ HẢI, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội: 1 tiến bộ và 6... bất hợp lý (?!)

Theo tôi, dự thảo Luật Đầu tư chung có 1 tiến bộ nhưng có đến 6 bất hợp lý. Tiến bộ duy nhất là đã mở cửa cho tư nhân trong nước kinh doanh trong một số lĩnh vực trước nay được coi là độc quyền của Nhà nước, như: xuất bản, truyền hình, phát thanh, vận tải hàng không, sân bay, dầu khí… Tuy nhiên, luật này lại bộc lộ 6 điểm bất hợp lý như tên gọi là Luật Đầu tư chung nên có vẻ như các nhà soạn thảo quá “ôm đồm”, muốn điều chỉnh cả hoạt động đầu tư từ ngân sách. Đây là một sai lầm lớn vì đầu tư từ ngân sách cần quản lý chặt chẽ, trong khi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cần khuyến khích mạnh mẽ và cần quy định thông thoáng hơn.

Bất hợp lý thứ 2 làø thiếu quy định về hình thức đầu tư Hợp tác công - tư. Đây là hình thức ngày càng phổ biến trên thế giới. Bất hợp lý thứ 3 là quy định về đăng ký đầu tư xem ra vẫn chưa thuyết phục về độ thông thoáng, nhất là trong tình hình thủ tục hành chính hiện tại- giấy khai sinh đơn giản mà có người phải đi 29 lần mới được cấp. Những bất hợp lý khác là quy định về giấy phép đầu tư như là một loại giấy phép con khác; tiếp tục duy trì một hệ thống ưu đãi thuế phức tạp trong khi đa số nhà đầu tư quyết định đầu tư không phải vì ưu đãi thuế; tính khả thi của luật không cao.

  • Ông TRẦN MẠNH HÙNG, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico): Chưa rõ các loại hình đầu tư

Các khái niệm về loại hình đầu tư trong Luật Đầu tư chung còn cứng nhắc, chưa đủ, dẫn đến hạn chế quyền tự chủ và sáng tạo của doanh nghiệp. Ví dụ như trường hợp mua bán cổ phần của công, viên chức Việt Nam và công, viên chức Australia (liên doanh với Australia). Nếu coi là “đầu tư trực tiếp” thì sẽ phải xin giấy phép, nếu là “đầu tư gián tiếp” thì lại không phải xin giấy phép. Trong khi đó, theo dự thảo, 2 khái niệm trên còn khác nhau ở nhiều điểm, trong đó điểm “có tham gia trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư” và “không tham gia hoạt động đầu tư” còn mơ hồ, vì thực tế việc tham gia quản lý hay không, trực tiếp hay gián tiếp là tùy vào điều kiện và sự chủ động của nhà đầu tư, có thể luôn thay đổi.

HÀ MY

 Bộ trưởng Bộ KH-ĐT VÕ HỒNG PHÚC - Trưởng Ban soạn thảo Luật Đầu tư chung: Tinh thần là sẽ chỉ có “1 giấy”

Khi dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung được công bố, nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh sẽ theo cơ chế ‘’2 giấy’’, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy.

Theo Luật đầu tư nước ngoài hiện hành thì đầu tư có trước, doanh nghiệp có sau. Có giấy phép đầu tư rồi, đó là cơ sở để lập doanh nghiệp. Còn đối với đầu tư trong nước, thì doanh nghiệp có trước, đầu tư có sau, đa phần như vậy. Có doanh nghiệp đăng ký làm đến 10 ngành nghề, nhưng khi kiểm tra thì không có đầu tư nào hết. Thậm chí không biết địa chỉ doanh nghiệp ở đâu. Luật Đầu tư chung phải khắc phục tồn tại này. Đối với đầu tư nước ngoài, ta yêu cầu doanh nghiệp và nhà đầu tư phải đồng thời. Cho nên trong dự thảo Luật Đầu tư, đối với nhà đầu tư nước ngoài, phải có dự án đầu tư mới được lập doanh nghiệp. Và giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tinh thần là sẽ chỉ có “1 giấy”.

Đối với đầu tư trong nước, ta vẫn cho thành lập doanh nghiệp trước. Doanh nghiệp được lập trước, được đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng có thể chưa đầu tư. Nhưng cũng có loại hình doanh nghiệp là nhà đầu tư lớn, có dự án mới nên cùng nhau thành lập doanh nghiệp để đầu tư. Cũng có trường hợp doanh nghiệp và đầu tư đồng thời với nhau như đối với đầu tư nước ngoài.

Để đơn giản hóa thủ tục, Luật Đầu tư chung quy định: doanh nghiệp Việt Nam chưa có dự án đầu tư, vẫn có quyền thành lập doanh nghiệp. Còn nếu anh có dự án đầu tư đồng thời, thì giấy đăng ký kinh doanh đồng thời là giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy vẫn chỉ có “1 giấy” thôi!
Đối với các loại dự án mà hiện nay đang quy định là dưới 5 tỷ đồng (sắp tới đây sẽ nâng lên là dưới 10 tỷ đồng) nhà đầu tư không phải làm bất kỳ một loại giấy tờ nào. Chỉ cần một phiếu (theo mẫu quy định) gửi lên cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo là tôi đã đầu tư dự án như vậy.

Nếu dự án đầu tư có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng thì doanh nghiệp chỉ phải nộp giấy đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý kinh doanh đồng thời là cơ quan quản lý đầu tư sẽ cấp thêm cho doanh nghiệp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian 7 ngày (hiện nay là 1 tháng). Đó là trường hợp đã có giấy đăng ký kinh doanh. Còn nếu bắt đầu thành lập doanh nghiệp mà đầu tư ngay thì cũng chỉ “1 giấy”. Trường hợp dự án từ 300 tỷ đồng mới phải thẩm tra cấp phép đầu tư, và thời gian chỉ trong 20 ngày. Trường hợp dự án đặc biệt quan trọng, thời gian thẩm tra cấp phép đầu tư không quá 1 tháng.

BẢO MINH ghi

Tin cùng chuyên mục