Thời gian gần đây, tại một số sự án nhà ở chung cư đã xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi giữa khách hàng và chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ. Nhiều khách hàng bức xúc vì “chịu oan” những diện tích mà họ không hề được sử dụng. Chiều 6-11, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Ông có thể nêu cơ sở các cách tính diện tích nhà chung cư hiện nay?
>> Ông NGUYỄN MẠNH HÀ: Có một nguyên tắc chung là tất cả các diện tích xây dựng đều được phân bổ vào giá bán căn hộ và các phần diện tích thương mại khác trong tòa nhà. Hầu hết các nước (Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…) đều sử dụng nguyên tắc này để tính diện tích căn hộ nhà chung cư. Theo đó có 3 cách tính diện tích căn hộ. Thứ nhất là tính diện tích sử dụng căn hộ là diện tích thông thủy của các phòng, sảnh, khu vệ sinh… trong căn hộ. Cách tính thứ hai là tính diện tích xây dựng tổng thể căn hộ hay diện tích tính để bán căn hộ. Như cách tính ở phần 2 cộng với diện tích sở hữu chung của cả nhà chung cư (hành lang, cầu thang, sảnh chung…) phân bổ cho căn hộ đó. Thứ ba là diện tích sử dụng (tính ở phần 1) cộng với diện tích tường ngăn căn hộ, diện tích cột, đường ống kỹ thuật trong căn hộ đó. Nếu căn hộ có balcon, logia, thì diện tích balcon, logia được tính vào diện tích xây dựng căn hộ. Đây thực chất là diện tích căn hộ tính theo tim tường bao đang được áp dụng ở Việt Nam.
- Khách hàng cho rằng cách tính diện tích căn hộ tính từ tim tường gây thiệt về diện tích, phần lợi thuộc về chủ đầu tư. Nhiều người còn cho rằng cũng chính bởi có nhiều cách tính mà chủ đầu tư đã lợi dụng, tạo sự lập lờ, khó hiểu trong hợp đồng để mưu lợi?
Tại Thông tư số 16/2010/TT-BXD, Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư có thể theo 1 trong 2 phương pháp: tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ, bên bán - bên mua tự thỏa thuận lựa chọn cách tính. Cả 2 cách tính trên đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua căn hộ, cũng như mang thêm lợi nhuận cho bên bán, đặc biệt là không có xảy ra việc khi tính giá theo kích thước thông thủy thì căn hộ mua sẽ rẻ tiền hơn so với giá mua căn hộ được tính theo kích thước từ tim tường. Bởi vì, về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị…), cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán các căn hộ và các phần sở hữu riêng khác (nếu có). Vì vậy, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ của 2 trường hợp này đều không thay đổi. Như vậy, dù tính theo cách nào thì người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi.
- Trước những bức xúc của dư luận, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những giải pháp nào để gỡ rối cho lĩnh vực này?
Mô hình nhà chung cư cao tầng được đầu tư xây dựng để bán theo phương thức thương mại mới được xây dựng ở nước ta trong khoảng 10 năm trở lại đây, do vậy, những kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 13, Bộ Xây dựng đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Nhà ở 2005 và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 năm 2014. Trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng sẽ tổng kết mô hình đầu tư xây dựng, kinh doanh và quản lý vận hành nhà chung cư cao tầng để đưa vào dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua, trong đó có vấn đề sở hữu chung, riêng trong nhà chung cư theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước loại hình nhà ở hiện đại này.
- Cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN