Khách sạn Hilton

Khách sạn Hilton

(Trích “Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam của LƯU TRỌNG LÂN)

Thời đánh Mỹ, Hà Nội có một trại giam đặc biệt, nằm trên đường phố Hỏa Lò, là nơi giam giữ những tù binh Mỹ, gọi là trại Hỏa Lò. Chính những tù binh phi công Mỹ đã đặt cho nó cái tên khá mỉa mai: “Khách sạn Hin-tơn”(1).

Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc nước ta, nhất là vào những ngày cuối năm 1972, “Khách sạn Hin-tơn” thường xuyên tấp nập những vị khách không mời mà đến: các phi công của Không lực Hoa Kỳ. Họ là những quân nhân thuộc các binh chủng khác nhau trong Quân chủng Hải quân, Quân chủng Không quân (gồm không quân chiến lược, không quân chiến thuật); cấp bậc từ trung úy đến đại tá, với đủ loại màu da: da trắng, da đen, da nâu, da đỏ, da vàng, phần đông là người gốc Mỹ, ngoài ra còn có những người gốc Anh, gốc Đức, Ý, Nhật, Mê-hi-cô...

Khách sạn Hilton ảnh 1

O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu...TỐ HỮU;  Ảnh: PHAN THOAN

Hầu hết họ là những phi công lão luyện, có tay nghề cao. Điển hình như Giêm Cát-lơ, thiếu tá anh hùng không lực Mỹ, phi công kỳ cựu từ đại chiến thế giới lần thứ hai, được ca ngợi là con chim ưng vàng, người lái thần thoại, phi công có sáu giác quan.

Hoặc như Ri-sớc Giôn-xơn, viên phi công B52 đầu tiên bị ta bắt, đã có trên 6.000 giờ bay. Nhiều phi công hàm đại tá cũng đã sớm có mặt trong trại giam này.

Khi mới vào trại giam, mỗi tù binh được cấp ngay chăn màn, quần áo (bộ quần áo kẻ sọc(2)), khăn mặt, bàn chải, xà phòng, gương lược, dao cạo râu... Họ được ở mỗi người một căn buồng thoáng mát, có hộp loa phóng thanh gắn ở góc tường.

Trong hoàn cảnh chung hết sức khó khăn của nhân dân ta, cán bộ, chiến sĩ của trại ăn uống rất kham khổ, nhưng chúng ta đã cố gắng dành cho họ những bữa ăn tươm tất.

Hàng ngày, Ban chỉ huy trại đã tổ chức cho các tù binh Mỹ một nếp sinh hoạt bình thường: tập thể dục, đánh bóng chuyền, chơi bi-a, đánh bài, xem phim, đọc sách báo, nghe ra-đi-ô, viết thư về cho gia đình.

Qua loa phóng thanh, họ được nghe tiếng nói truyền cảm, dịu dàng của Thu Hương(3) trong chương trình dành cho binh sĩ Mỹ, của Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ được thưởng thức những bản giao hưởng tuyệt vời của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới, như Bi-tô-ven (Beethoven), Sô-panh (Chopin), Mô-da (Mozart),... được nghe giới thiệu về nền văn hóa và truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam ta.

Họ còn được đưa đi xem các nhà bảo tàng. Sau khi xem Bảo tàng Quân đội, một trung tá phi công hải quân tâm sự với cán bộ ta: “Chúng tôi không thể không kính trọng một dân tộc có lịch sử lâu đời và oanh liệt đến thế”. Rồi anh ta cười hóm hỉnh: “Ít nhất đến đây chúng tôi cũng được an ủi vì nước Mỹ chúng tôi không phải là nước đầu tiên thua Việt Nam”.

Vào xem Bảo tàng Mỹ thuật, một thiếu tá không quân nói: “Nước các ông còn nghèo về vật chất, song tài sản tinh thần, kho tàng văn hóa nghệ thuật thì thật giàu có”.

Trại còn giúp cho các tù binh Mỹ tự làm báo, ra tờ tạp chí do họ đặt tên: “Đường băng mới” (The New Runway). Họ chia nhau viết bài với đủ loại thơ ca, tường thuật, bình luận, vẽ tranh châm biếm và phân công nhau trình bày, trang trí.

Trong trại giam có hai viên đại úy không quân chơi với nhau rất thân. Cả hai đã từng là giáo viên âm nhạc trước khi chuyển sang nghề bay. Đó là Giôn Cô-lin có giọng hát hay và khỏe và Uy-liêm Pớc-kin, chuyên đệm đàn phong cầm cho Cô-lin và các bạn cũng hát trong những giờ sinh hoạt.

Vào những dịp lễ Giáng sinh, Ban chỉ huy trại đã cho giăng đèn kết hoa rực rỡ, có ông già và cây thông Nô-en, có cả Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ, để cho các tù binh Mỹ được chúc mừng năm mới và cầu Chúa ban phước lành.

Trong bữa ăn Nô-en, bọn họ còn được thưởng thức mỗi người một đĩa thịt ngỗng quay truyền thống của dân Mỹ. Điều đó đã khiến họ rất ngạc nhiên và thú vị. Về sau, chúng tôi được biết đây là theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng đi nhiều nơi trên thế giới, am hiểu phong tục tập quán của nhiều nước, nhiều dân tộc, cộng với lòng nhân ái sâu sắc, Bác Hồ rất quan tâm nhắc nhở cán bộ ta phải luôn luôn đối xử tử tế với tù binh.

Đại úy Noóc-len Đô-tơ-ri, lái F105D, bị thương nặng cả hai tay, đáng lẽ phải cưa bỏ, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã giúp cho đôi tay của anh ta trở lại lành lặn bình thường. Giờ đây, chính anh đã có thể dùng bàn tay khéo léo của mình để cắt những hình trang trí (chim bồ câu, thánh thần, tiên nữ...). Anh ta vui vẻ nói: “Tôi mãi mãi ghi sâu trong trái tim mình tấm lòng cao quý của các bác sĩ và y tá Việt Nam. Người Việt Nam các ông có đủ tất cả các đức tính mà các dân tộc khác phải khâm phục”.

Có một đại úy phi công của Hải quân Mỹ khi mới vào trại giam tỏ ra rất kiêu căng. Thái độ kiêu ngạo của những phi công Mỹ, xét cho cùng, cũng là điều hợp lô-gích. Họ là phi công của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước hùng mạnh nhất thế giới, là những vị con trời, cứu tinh cho một quốc gia nhỏ bé (Việt Nam Cộng hòa) đang bị “Cộng sản Bắc Việt xâm lăng”.

Trong quân đội Mỹ, họ thuộc hàng những kiêu binh, những người lính “quý tộc”. Mặc dầu đã vào trại Hỏa Lò, một số không ít phi công tù binh Mỹ vẫn còn mang tâm lý đó. Gặp cán bộ ta, một phi công không chịu chào: “Tôi không biết chào người Việt Nam. Ở Sài Gòn, nếu gặp tôi, Nguyễn Cao Kỳ phải chào tôi trước đấy!”. Thế mà sau đó, qua những điều được giảng giải và tai nghe mắt thấy trong trại giam, anh ta dần dần thay đổi thái độ. Từ đó, gặp ai anh cũng vui vẻ chào.

Một đại úy không quân nói: “Ồ, Chỉ huy trại cũng gánh nước tưới rau, cũng đánh bóng chuyền, chơi vật cùng chiến sĩ. Ở quân đội Mỹ làm gì có chuyện đó”. Anh ta đặc biệt xúc động khi nhìn thấy các chị cấp dưỡng nhỏ bé, với mấy chiếc xe đạp cũ kỹ mà vẫn bảo đảm cho mọi bữa ăn của họ luôn luôn được kịp thời, chu đáo.

Một thiếu tá không quân khi được phỏng vấn: “Vào đây anh có bị tra tấn, hành hạ gì không?” đã trả lời: “Ở Mỹ, tôi và các bạn tôi đã qua hai tuần lễ huấn luyện ở “Trường tự cứu”. Mỉa mai thay! Những điều được học ở trường và cuốn sách “Hướng dẫn tự cứu” chẳng giúp ích gì cho tôi cả, bởi vì, khi vừa nhảy dù xuống đất, chúng tôi đã thấy ngay các bà, các ông bao vây xung quanh. Vừa nghe họ hô to hai tiếng “hen xấp!” (hands up) là chúng tôi đã phải vội vã đưa hai tay lên trời.

Điều mỉa mai hơn hết là khi còn học ở trường, chúng tôi đã bị những người đóng giả Việt cộng đánh cho khá đau, dù là đánh giả, nhưng ở trong trại này điều đó không hề xảy ra. Cái hòm tra điện duy nhất và những chiếc roi gân bò mà tôi được nhìn thấy lại chính là ở “Trường tự cứu” bên Hoa Kỳ(7)”.

Đối với tù binh Mỹ, chúng ta đã dành cho họ sự đối xử tốt như vậy, tuy nhiên có một điều là chúng ta không cho họ có quyền bắt tay chúng ta. Một trung tá không quân nói: “Các ông sẵn sàng tha thứ tất cả, duy chỉ có cái bắt tay... Lúc đầu chúng tôi rất tự ái. Không ngờ bàn tay của chúng tôi lại bị các ông căm giận và khinh bỉ đến thế. Nhưng về sau chúng tôi đã nhận ra: một sự căm giận và khinh bỉ rất dễ hiểu. Các ông không bắt tay, nhưng đối xử với chúng tôi vẫn hết sức độ lượng”.

Gần đây ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, về sau làm Giám đốc điều hành Hội luật gia của bang Georgia, trong một chuyến sang thăm Việt Nam đã nói với các phóng viên: “Ban đầu chúng tôi rất e ngại. Nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi vô cùng cảm kích trước thái độ rộng lượng của người Việt Nam. Sang đây chúng tôi cảm thấy được tha thứ và được sống trong sự ấm áp của tình người”.

Việt Nam chúng ta ở mọi thời đại luôn luôn ngời sáng một chủ nghĩa nhân văn cao cả: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo(4). Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam là như thế.

Ai đó muốn làm cho nhân dân Mỹ hiểu sai Việt Nam, hãy đọc kỹ lời đánh giá sau đây của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra: “Thất bại của Mỹ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa của dân tộc này”.  

*****

(1) (Hilton Hotel): khách sạn năm sao nổi tiếng ở Mỹ.
(2) Từ đó có cái tên của một bộ phim Cộng hòa Dân chủ Đức “Những phi công trong bộ quần áo ngủ” (Les pilotes en pyjama).
(3) Nữ phát thanh viên Thu Hương được binh lính Mỹ đặt tên là Ha-na (Hannah).
(4) Trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.

Tin cùng chuyên mục