(SGGP). - Hôm qua, 27-8, Diễn đàn tài chính vi mô châu Á 2008 do Mạng lưới ngân hàng hoạt động vì người nghèo (BWTP), Quỹ hợp tác phát triển (FDC), với sự tài trợ của Quỹ Citi, đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Gần 500 đại biểu là các nhà tài chính vi mô hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ, các nhà nghiên cứu và vận động chính sách đến từ 53 quốc gia đã có mặt tại diễn đàn để cùng thảo luận những ý tưởng và cơ hội mới cho hoạt động tài chính vi mô.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết từ đầu năm 2008 đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều biến động về kinh tế, tăng trưởng chậm lại đi cùng nguy cơ lạm phát gia tăng. Với tác động suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đứng trước nguy cơ gia tăng số lượng người nghèo và từ đó gây ra những tác động bất lợi lên ngân sách quốc gia và ổn định xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột để phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế cao gắn với công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, và bảo vệ môi trường. “Với mục tiêu này, hoạt động tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng tiếp cận tài chính cho khu vực nông thôn” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói. Hoạt động tài chính vi mô nhiều năm qua đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong hoạt động tài chính ngân hàng chính thức tại mỗi quốc gia, bước đầu được ghi nhận là thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của thế giới. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, để tăng cường và mở rộng phạm vi phục vụ người nghèo, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà tài trợ, các nhà điều hành hoạt động tài chính vi mô phải xây dựng được chiến lược để hoạt động này phát triển bền vững.
Diễn đàn sẽ làm việc đến hết ngày 29-8 với các chủ đề lớn của tài chính vi mô như: huy động vốn và đầu tư; tiết kiệm và gia tăng tài sản; mạng lưới công nghiệp; công nghệ và phát triển bền vững… Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các thách thức và đổi mới sẽ có tác động lớn nhất đến tài chính vi mô trong những thập kỷ tới, và mở ra cánh cửa cho tương lai của tài chính vi mô, đặc biệt tại khu vực châu Á. Diễn đàn cũng sẽ dành một phiên thảo luận riêng về tương lai của ngành tài chính vi mô Việt Nam.
HÀM YÊN