Khai mạc Hội nghị Copenhagen: Đồng lòng kêu gọi hành động vì khí hậu

Ngày 7-12, các đoàn đại biểu đến từ 192 quốc gia và hơn 100 nhà lãnh đạo trên thế giới đã bắt đầu Hội nghị cấp cao Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 7 đến 18-12 tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch).
Khai mạc Hội nghị Copenhagen: Đồng lòng kêu gọi hành động vì khí hậu
  • Báo chí thế giới tham gia tích cực

(SGGPO).- Ngày 7-12, các đoàn đại biểu đến từ 192 quốc gia và hơn 100 nhà lãnh đạo trên thế giới đã bắt đầu Hội nghị cấp cao Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 7 đến 18-12 tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch).

Trong những ngày này, công luận gia tăng sức ép đòi các nhà lãnh đạo thế giới hành động mạnh mẽ và kiên quyết tại Hội nghị Copenhagen nhằm đi đến một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.

Khai mạc Hội nghị Copenhagen: Đồng lòng kêu gọi hành động vì khí hậu ảnh 1

Quả địa cầu được trưng bày tại thành phố Copenhagen nhằm cổ động cho hội nghị về biến đổi khí hậu

Ngày 7-12, các tờ báo lớn ở 45 quốc gia trên thế giới đồng loạt làm một việc chưa từng có đăng trên trang nhất các bài xã luận kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không tranh cãi, không đổ lỗi cho nhau mà nắm bắt cơ hội tại Hội nghị Copenhagen để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu trên phiên bản online. Các bài viết này được xuất bản bằng 20 thứ tiếng, gồm cả Trung Quốc, Nga và Ảrập. Song song với nơi diễn ra Hội nghị Copenhagen, một Diễn đàn khí hậu tự phát đã được tổ chức, dự kiến thu hút sự tham gia của khỏang 10.000 người mỗi ngày.

Các nhà hoạt động môi trường biểu tình và dựng cảnh xác chết bên ngoài hội nghị.

Các nhà hoạt động môi trường biểu tình và dựng cảnh xác chết bên ngoài hội nghị.

Trong một động thái được đánh giá là tạo đà cho thành công của Hội nghị Copenhagen, Nam Phi ngày 6-12 thông báo sẽ cắt giảm 34% lượng khí CO2 trong 10 năm tới, so với năm 1990 và có thể nâng tỷ lệ này lên 42% vào năm 2025. Liên minh châu Âu cũng cam kết hỗ trợ từ 1 - 3 tỷ euro trong 3 năm tới giúp các nước nghèo đối phó với những tác động từ biến đổi khí hậu.

 “Tị nạn khí hậu” - Thách thức của châu Á

Trong khi đó, làn sóng người “tị nạn khí hậu” sẽ là một thách thức mới đối với nhiều quốc gia châu Á. Báo cáo gần đây nhất của Quỹ dân số LHQ cho biết từ nay đến năm 2010, sẽ có từ 25 triệu đến 50 triệu người tị nạn vì lý do khí hậu. Nhiều công trình nghiên cứu khác cho rằng con số này có thể lên tới 700 triệu vào năm 2015. Riêng khu vực Đông Nam Á, báo cáo của Quỹ Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nêu đích danh 11 thành phố lớn ven biển hoặc ở các vùng đồng bằng có nhiều nguy cơ phải đối phó với lũ lụt và thiên tai. Trong số này có TPHCM, Thượng Hải, Bangkok, Hồng Công…

Liên quan trực tiếp đến Việt Nam, Tổ chức phi chính phủ Care và Đại học Colombia (Mỹ) đã nghiên cứu và công bố một bản phúc trình có tên gọi “Tìm kiếm nơi cư trú: Bản đồ của thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến di cư và không nơi cư trú”, khẳng định trong tương lai, 1/10 người Việt Nam ở khu vực châu thổ sông Cửu Long phải đối mặt với thảm họa mất nơi cư trú truyền thống do mực nước biển dâng cao. Khi nước biển dâng cao 2m, gần 14,2 triệu người Việt ở châu thổ sông Cửu Long sẽ mất đất canh tác. TPHCM sẽ là nơi hứng chịu trước tiên hiểm họa này.

H.Ch. (Theo AP, Development and Cooperation)

Tin cùng chuyên mục