(SGGP).– Sáng 3-9, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp trù bị các quan chức cấp cao của Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (AFC). Hơn 500 đại biểu đến từ 150 nước và hơn 20 tổ chức quốc tế đã tham dự lễ khai mạc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Cao Đức Phát, việc phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí, chưa kể tác động ngày càng lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia phải có các chính sách thông minh và toàn diện trong phát triển nông nghiệp, lồng ghép đầy đủ vào chiến lược phát triển tổng thể của các nước. Vấn đề an ninh lương thực không thể giải quyết từ một quốc gia đơn lẻ mà cần có sự chung tay hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công của nhiều quốc gia.
Đại diện Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, phải tạo được các chiến lược, chính sách và thị trường thích hợp, đặc biệt khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huy động mọi nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phổ biến thông tin, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường để đảm bảo ổn định lâu dài.
V.Phúc