(SGGPO).- Ngày 18-11, triển lãm “Văn hóa Đông Sơn” kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu nền văn hóa này đã khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Với 272 hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, các hiện vật được trưng bày được chia theo các loại hình tiêu biểu như: trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí (chôn cùng người chết)… Tâm điểm của cuộc trưng bày là 11 chiếc trống đồng Đông Sơn - loại trống được sản sinh trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn, biểu hiện cao nhất cho công nghệ đúc đồng của người Việt cổ- đã được công nhận là Báu vật quốc gia.
Hoa văn tinh xảo trên chuông đồng Đông Sơn.
Ban đầu trống được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn, là biểu tượng tồn vong của cộng đồng cư dân Lạc Việt. Ngoài một số trống do Bảo tàng Lịch sử quốc gia quản lý, một số trống đồng Đông Sơn nổi tiếng ở các bảo tàng địa phương cũng góp mặt trong cuộc trưng bày. Trống được bảo quản cẩn thận trong thùng gỗ để di chuyển từ các bảo tảng tỉnh như Nghệ An, Lào Cai, Thanh Hóa... về Hà Nội.
Nổi bật trong nhóm đồ dùng sinh hoạt là những chiếc thạp dùng để cất trữ lương thực, thực phẩm. Do sản xuất phát triển, tạo được nhiều của cải dư thừa, người Đông Sơn đã chế tác ra những chiếc thạp lớn nhỏ để cất trữ lương thực, thực phẩm. Thạp còn liên quan đến các nghi lễ chôn cất người chết. Trình độ kim khí ở thời đại văn hóa Đông Sơn cũng còn thể hiện qua sưu tập vũ khí, vừa phong phú về loại hình, kiểu dáng vừa đa dạng về tính năng sử dụng như mũi lao, lẫy nỏ…
Ngoài chất liệu đồng, trang sức trong văn hóa Đông Sơn còn sử dụng phổ biến chất liệu đá và thủy tinh. Nhiều hiện vật được làm bằng chất liệu đá ngọc, thuỷ tinh và mã não…có kiểu dáng khá gần gũi với các loại vòng trang sức đá ngày nay. Bên cạnh các hiện vật, triển lãm còn giới thiệu các tài liệu khoa học phụ trợ như: bản đồ phân bố các địa điểm văn hóa Đông Sơn; bảng thống kê, phân loại đồ đồng, đồ gốm (theo đặc trưng ba loại hình địa phương của văn hóa Đông Sơn); bản vẽ kỹ thuật mặt cắt địa tầng của một số di tích tiêu biểu; ảnh chụp các hiện vật tiêu biểu và các di tích tiêu biểu…
Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã (Thanh Hóa). Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2014), cùng ngày hội thảo về văn hóa Đông Sơn cũng được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, khảo cổ học, nhà văn hóa.
Bộ sưu tập di vật văn hóa Đông Sơn dự kiến chính thức ra mắt công chúng ngày 18-11, kéo dài đến tháng 5-2015.
Mai An