Khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) để phát triển các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. TPHCM và một vài đô thị lớn ở nước ta có nhiều điều kiện phát triển KTBĐ, tăng sức thu hút du khách nước ngoài, để tạo thêm nguồn thu.

Không phải các đô thị lớn ở nước ta chưa có KTBĐ, tuy nhiên chưa làm một cách phong phú, bài bản, quy mô để có thể níu chân du khách lâu hơn, khiến họ chi tiêu nhiều hơn.

Du khách nước ngoài và cả du khách đến từ các tỉnh thành trong nước cũng đều nói rằng khi tới TPHCM thì buổi tối chỉ biết ngồi la cà quán cà phê ở khu vực trung tâm thành phố hoặc các quận lân cận, rồi giải tán vào khoảng 22 giờ. Muốn ngồi lâu hơn thì chỉ có ra phố đi bộ Bùi Viện (quận 1).

Một số du khách quốc tế ấn tượng với phố đi bộ Bùi Viện, nhưng gần đây con phố này được nhắc nhiều và biết đến với cái tên “phố nhậu”. Đường Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) là khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội; những cửa tiệm, quán bia vỉa hè nằm san sát nhau bày bán những món ngon vỉa hè đặc trưng Hà Nội, đã trở thành ấn tượng khó phai đối với du khách. Tuy nhiên, những mô hình KTBĐ ở Hà Nội cũng còn khá sơ sài, các sản phẩm gần như na ná nhau, thiếu điểm nhấn, nên phát triển manh mún.

Khách du lịch đến nước ta muốn trải nghiệm và khám phá, chứ ít ai muốn đi ngủ lúc 22 giờ. Đặc biệt là khách đến từ các quốc gia chênh lệch lớn về múi giờ thì nhu cầu giao dịch, đi lại càng lớn. Theo một thống kê nhỏ, khi khách quốc tế lưu lại Việt Nam và Thái Lan cùng khoảng thời gian hơn 9 ngày, chỉ tiêu 96USD/ngày ở Việt Nam và tiêu 163USD/ngày ở Thái Lan.

Đó là lý do số lượng du khách tới nước ta tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch lại tăng chưa tương xứng. Thực tế, các đô thị lớn ở Việt Nam lâu nay chỉ tập trung phát triển sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ và những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ.

Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 18 giờ tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, thì lại không phát triển. Không có sản phẩm đêm, không cách gì giữ khách và tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách nhà nước.

Nhưng để phát triển KTBĐ bài bản, không đơn thuần là gia tăng những quán bar, tụ điểm âm nhạc, chợ đêm hay phố đi bộ, mà còn bao gồm nhiều dịch vụ đi kèm khác, như dịch vụ vận tải, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia, do đặc thù múi giờ khác nhau.

Trong buổi làm việc với ngành giao thông vận tải vào giữa tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã nhấn mạnh: “Nếu thành phố đưa ra một đề án KTBĐ hoàn hảo, thì chắc chắn giao thông đêm sẽ phát triển. Chúng ta phải bắt nhịp với xu thế phát triển hiện nay, phải giải quyết, giảm áp lực giao thông ban ngày, bởi ban ngày có quá nhiều phương tiện ra vào, trong khi ban đêm thì gần như không có”. Vì vậy, phải chuyển vấn đề này thành đề án, gấp rút làm ngay, và TPHCM phải đi đầu trong việc này. 

Trước nhu cầu chính đáng của du khách trong và ngoài nước, đồng thời nhìn nhận KTBĐ là tiềm năng lớn để phát triển du lịch và kinh tế, cần khẩn trương tìm lời giải cho mâu thuẫn giữa mục tiêu quản lý và nhu cầu phát triển du lịch về đêm. Trước hết, các ngành chức năng cần phải tạo hành lang pháp lý thống nhất về KTBĐ.

Trong đó, quy định rõ khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước để tránh những biến tướng, tệ nạn phát sinh. Về lâu dài, ngành du lịch, mà cụ thể là các địa phương trọng điểm về du lịch, cần có đề án chuyên sâu về phố đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hộp đêm, câu lạc bộ, các buổi biểu diễn nhạc sống, các hình thức giải trí, văn hóa về đêm…

Tin cùng chuyên mục