Khẩn trương nâng cấp hạ tầng đường sắt phục vụ xuất khẩu

Bên cạnh đường bộ, đường biển, hàng không thì ngành đường sắt đang từng bước góp phần quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu, tiết giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Thi công nâng cấp hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Thi công nâng cấp hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Mở rộng kho tại ga lớn nhất phía Nam

Ga Sóng Thần (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ga kỹ thuật có 13 đường xếp dỡ và 7 bãi hàng hóa, cũng là ga đầu mối vận tải quan trọng của Bình Dương, TPHCM và cả khu vực phía Nam. Từ tháng 9 năm ngoái, Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Satraco) khai trương tuyến vận tải hàng hóa liên vận, từ ga Sóng Thần đi đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) rồi sang Trung Quốc. Satraco thuê kho, thuê tàu và trở thành đầu mối nhận hàng của các doanh nghiệp có nhu cầu, hoặc chủ động tìm nguồn hàng rồi đưa về dự trữ tại kho lạnh. Sau sự kiện khai trương, các doanh nghiệp quan tâm đến loại hình vận tải này nhiều hơn vì tiết kiệm được 20%-25% cước phí so với đường bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Satraco cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM rất cao. Trước đây, do chưa thực hiện được liên vận quốc tế nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua ga Sóng Thần chỉ chiếm tỷ lệ từ 10%-15% tổng sản lượng vận chuyển qua ga. Hiện nay, lượng hàng hóa đã nhiều hơn, bình quân mỗi ngày Satraco thuê vận chuyển từ 1-2 chuyến với hơn 500 tấn hàng/chuyến, trong khi trước đây... ngày có, ngày không! Tuy nhiên, dù nhu cầu vận chuyển tăng nhưng sức cạnh tranh của ngành đường sắt lại khá yếu vì hạ tầng lạc hậu, kho bãi nhỏ hẹp, thời gian vận chuyển từ ga Sóng Thần đến ga Đồng Đăng phải mất 3 ngày đêm.

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Trưởng ga Sóng Thần, nhiều thời điểm trong năm, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, hàng hóa xuất khẩu tăng thì gặp ngay tình trạng “xếp hàng chờ”. Để khắc phục việc quá tải tại ga, cơ quan chức năng vừa phối hợp bàn giao gần 6.500m2 đất trong khu vực ga để lắp đặt thêm 2 đường sắt, làm lại toàn bộ các bãi xếp dỡ, mở rộng kho bãi với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động hiện tại lên 21 đoàn tàu/ngày, công suất vận chuyển hàng hóa từ 1,6 triệu tấn/ năm hiện nay lên 2,5 triệu tấn/năm

Cấp bách nâng cấp, mở rộng hạ tầng

Tại khu vực phía Bắc, nhu cầu giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc Lạng Sơn và Lào Cai hiện nay rất lớn, nhưng năng lực vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) có diện tích khoảng 56.000m2 , có thể kết nối hệ thống đường sắt của Trung Quốc, được đánh giá là cửa khẩu liên vận tiềm năng, nhưng nhiều năm nay hiệu quả hoạt động còn thấp. Trong năm 2023, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam qua tỉnh Lạng Sơn hơn 4,78 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu qua ga Đồng Đăng chỉ đạt 136 triệu USD.

C5B.jpg
Cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Lào Cai kiểm tra nghiệp vụ với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo ông Phạm Đức Khái, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, các doanh nghiệp chưa mặn mà vì hệ thống hạ tầng của ga đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thương, năng lực xếp dỡ, giải phóng toa xe chậm và hạn chế, thiếu đường bộ kết nối… Trong khi đó, tỉnh Lào Cai có tới 3 tuyến đường sắt, gồm một tuyến đường sắt quốc gia và 2 tuyến đường chuyên dùng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản, hoa quả, quặng các loại...; còn hàng hóa từ phía Trung Quốc cũng quá cảnh để đi các nước. Thế nhưng, đại diện tỉnh Lào Cai cho rằng, hoạt động giao thương chưa được như mong muốn do chưa có trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, hạ tầng còn manh mún, doanh nghiệp logistics tuy nhiều nhưng nhỏ lẻ… Để tăng công suất giao nhận hàng hóa bằng đường sắt tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo các địa phương.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tỉnh Lào Cai ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua tuyến đường sắt; xây dựng khu vực kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch và thông quan các loại nông - lâm - thủy sản vận chuyển bằng đường sắt... Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cũng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ tỉnh xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thiện phương án kết nối đường sắt khổ lồng (khổ 1.000mm và 1.435mm) giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)…

Tương tự, tại tỉnh Lạng Sơn, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã yêu cầu huyện Cao Lộc và các cơ quan liên quan khẩn trương giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục trong khu vực ga Đồng Đăng. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong ga Đồng Đăng và đặc biệt là cần đồng bộ hệ thống toa tàu chở container đông lạnh để phục vụ nhu cầu vận chuyển nông sản, hoa quả tươi…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN:

Năm 2023, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 18% so với 2022 và chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Trong tháng 1-2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng trên 23% (vượt cả Mỹ và nhiều thị trường khác). Việt Nam hiện có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên nhu cầu rút ngắn thời gian thông quan, vận chuyển là tất yếu. Chủ trương là tăng xuất khẩu chính ngạch nên việc sớm đưa kết nối đường sắt liên vận, chuẩn hóa đường ray, toa tàu… là cơ hội để doanh nghiệp của 2 nước tăng cường hợp tác thương mại.

Tin cùng chuyên mục