Khẩu trang phát hiện virus SARS-CoV-2

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Kyoto, miền Tây Nhật Bản, đã sử dụng các kháng thể được chiết xuất từ trứng đà điểu để phát triển một loại khẩu trang có thể phát sáng dưới ánh sáng cực tím, nếu trên khẩu trang có dấu vết của virus SARS-CoV-2.

Đà điểu có thể sản sinh các loại kháng thể khác nhau hoặc những protein có khả năng vô hiệu hóa các thực thể bên ngoài xâm nhập cơ thể. Dựa trên tính năng này, vào tháng 2-2020, nhóm nghiên cứu, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại học Kyoto Yasuhiro Tsukamoto, đã tiêm vào đà điểu cái một dạng virus SARS-CoV-2 bất hoạt và không gây nguy hiểm. Sau đó, họ chiết xuất thành công một lượng lớn kháng thể từ trứng của những con đà điểu này. Tiếp đó, các nhà khoa học đã phát minh một màng lọc đặc biệt lồng vào bên trong khẩu trang. Có thể lấy màng lọc này ra khỏi khẩu trang và xịt thuốc nhuộm huỳnh quang có chứa kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 được chiết xuất từ trứng đà điểu lên màng lọc. Nếu phát hiện virus SARS-CoV-2, màng lọc sẽ phát sáng dưới ánh sáng cực tím (ảnh).

Trong cuộc thử nghiệm theo quy trình tối đa 10 ngày đối với 32 người nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học phát hiện tất cả khẩu trang mà những người này đeo đều phát sáng dưới ánh sáng cực tím, và ánh sáng này mờ dần theo thời gian khi tải lượng virus giảm. 

Theo Hãng tin Kyodo, mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học Đại học Kyoto là mở rộng chương trình thử nghiệm với sự tham gia của 150 người. Bản thân Chủ tịch Đại học Kyoto, ông Yasuhiro Tsukamoto, đã tự phát hiện ông Covid-19 sau khi đeo một khẩu trang thử nghiệm. 

Tin cùng chuyên mục