Khi chính phủ xây nhà

Trong số các quốc gia thực hiện những chương trình nhà ở xã hội, hiếm có quốc gia nào thành công như đảo quốc Singapore, nơi có đến 4/5 dân số đang sinh sống trong các khu nhà do Chính phủ xây dựng.
 Ủy ban Phát triển nhà ở Singapore (HDB) được thành lập vào năm 1960, ban đầu dự kiến chỉ xây dựng nhà cho các gia đình nghèo thuê, nhưng chỉ trong vòng 4 năm đã chuyển sang xây dựng căn hộ để bán. Ngày nay, Singapore có khoảng 1 triệu căn hộ do HDB xây dựng, tập trung chủ yếu trong hai mươi khu đô thị mới trải rộng theo hình bán nguyệt bám theo biển. Mỗi năm Chính phủ nước này lại mở bán một lô căn hộ mới, tất cả đều có thời hạn thuê 99 năm với giá thấp hơn giá thị trường, mặc dù người mua phải chờ ba hoặc bốn năm để nhận nhà. 

Những người mua nhà lần đầu sẽ được nhận tiền trợ cấp từ chính phủ, bất kể mua căn hộ mới hay cũ; song chính phủ quy định những “hạn ngạch” nhất định để đảm bảo trong mỗi khu nhà đều có đầy đủ các sắc dân gốc Hoa, gốc Ấn Độ và Mã Lai sinh sống, không tạo ra các “ốc đảo” sắc tộc. Khoản tiền trợ cấp cho người mua lần đầu một căn hộ 3 phòng ngủ trong năm nay ở Punggol, một khu ngoại ô xa trung tâm, lên đến 75.000 đô la Singapore so với giá mua (300.000 đô la Singapore, tương đương khoảng 217.000USD). Mua lại một căn hộ của HDB trên thị trường thứ cấp sẽ tốn kém thêm một khoản tiền khoảng 1/4 đến 1/5 giá trị. Giá căn hộ cùng diện tích do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng ở khu trung tâm - chủ yếu dành cho tầng lớp thượng lưu và người nước ngoài - có thể cao gấp ba lần.

Ngoài ra, khi mua bất động sản của HDB, người dân Singapore còn có thể vay tiền từ Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF), một chương trình tiết kiệm bắt buộc, theo đó, phần lớn công dân trong độ tuổi lao động phải đóng góp 20% tiền lương hàng tháng vào quỹ này (người sử dụng lao động phải đóng góp thêm 17%). Các công dân có quyền rút ra một phần khoản tiền tiết kiệm của mình để chi trả tiền mua căn hộ của HDB. Họ cũng được sử dụng khoản tiền lẽ ra phải đóng góp vào CPF để chi trả một phần hoặc toàn bộ số tiền phải thanh toán hàng tháng cho HDB. 

Mặc dù các tòa nhà của HDB không quá ấn tượng, nhưng chúng sạch sẽ, an toàn, đủ rộng rãi và có giá cả hợp lý hơn so với Hồng Công, London và một số thành phố giàu có khác. Theo HDB, những người mua lần đầu tiên trung bình dành chưa tới một phần tư thu nhập của hộ gia đình mình để trả góp tiền nhà. Nhờ vậy, hầu hết người Singapore đến khi nghỉ hưu đều sở hữu nhà riêng, không kể những khoản tiền tiết kiệm. Đặc biệt, ngoài chính sách chung như đã nêu, người Singapore mua nhà của HDB còn được giảm giá nhiều hơn nữa, nếu họ chọn mua bất động sản nằm trong cùng một khu phố với phụ huynh, thuận tiện cho việc qua lại, chăm sóc cha mẹ. 

Đây thực sự là điều mà các nhà hoạch định chính sách nhà ở xã hội của Việt Nam rất nên tham khảo, áp dụng.

Tin cùng chuyên mục