
Bị choáng bởi những cơn dư chấn-giá cổ phiếu liên tục giảm trong những phiên giao dịch gần đây, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu bán nhanh, tháo chạy…
- “Bỏ của chạy lấy người”

Lo lắng khi giá cổ phiếu xuống. Ảnh: K.H.
Khác với những ngày giá chứng khoán lên ngôi với màu xanh thống lĩnh trên bảng điện tử ai cũng cười, cũng nói như đang đi trên mây, gần nửa tháng qua, dân chơi chứng khoán đều bị chao đảo, phập phồng lo âu. Dạo quanh các sàn giao dịch CK ở TPHCM trong 3 ngày cuối tuần qua, dễ nhận thấy những câu chuyện bên lề chứng khoán cũng đổi màu xám xịt. Thay vì rổn rảng kháo nhau “cậu A vừa trúng đậm, cô B vừa hốt thêm tỷ đồng, bà Ph vừa mua thêm một căn biệt thự…”, các nhà đầu tư lại thì thầm ông T, bà H vừa mất toi hàng trăm triệu.
Không chỉ có những cổ phiếu “ruồi” rớt giá, hàng loạt cổ phiếu thuộc top “Blues Chips” cũng thi nhau xuống thê thảm. Choáng váng và ê ẩm nhất là những nhà đầu tư mới tập tễnh lên sàn hoặc dò dẫm vào thị trường OTC. Trước tết, thấy bạn bè chơi chứng khoán đều trúng đậm, đầu tháng 3-2007, Minh-chủ doanh nghiệp trẻ ở quận Tân Bình quyết định bán căn nhà trị giá 2,5 tỷ đồng để làm cuộc đổi đời bằng chứng khoán. Nhưng hỡi ôi, mua chưa được bao lâu thì tất cả các loại cổ phiếu này đều chuyển màu đỏ chói…”, Minh kể với giọng ngao ngán: “Sau mấy tuần mất ăn mất ngủ, tôi quyết định bán tháo tất cả số cổ phiếu đã mua. Mất đứt gần nửa tỷ đồng”.
Thấy mọi người đều phất lên nhờ chứng khoán, vợ chồng anh Quyết bàn nhau thế chấp căn nhà bốn tầng để vay ngân hàng trên 1 tỷ đồng. Họ khấp khởi chờ vận may mỉm cười. Băn khoăn, lưỡng lự, cuối cùng vợ chồng anh quyết định “ôm” cổ phiếu STB, KHP. Nửa tháng nay, hai cổ phiếu này chập chờn, trong đó KHP xuống kịch sàn khiến mỗi ngày Minh mất vài chục triệu đồng. “Sau ba tháng ăn, ngủ, giấc mộng chập chờn theo hình sin chứng khoán, em chấp nhận mất trắng 300 triệu đồng. Phải tháo chạy nhanh còn hơn mất thêm vốn liếng. Chơi chứng khoán mệt đầu, mệt óc quá. Gan của mình bé nên chọn đầu tư cái gì chắc ăn thôi…”- Quyết bộc bạch như thế.
Còn rất nhiều câu chuyện buồn “tiền mất tật mang” mà người thua cuộc gần đây không muốn bật mí vì sợ “mất mặt” với bạn bè, người thân. Một chuyên viên ở sàn giao dịch chứng khoán SSI cho biết: “Khi cổ phiếu lên thì ai cũng đặt lệnh mua và chấp nhận mua giá cao. Nhưng khi cổ phiếu rớt giá thì họ lại nôn nóng đặt lệnh bán tháo bỏ của chạy lấy người”.
- Thị trường sẽ bước vào giai đoạn suy thoái?
Đúng như lời cảnh báo của các chuyên gia chứng khoán: “Chơi chứng khoán phải có máu lạnh. Yếu đừng ra gió”. Nhiều năm chơi chứng khoán và hái được gần 20 tỷ đồng, chị Phương điềm tĩnh nói: “Mình đã trải qua nhiều đợt “thủy triều” - lên xuống của chứng khoán nên nửa tháng nay cảm thấy bình thường”. Chẳng những không vội vã bán ra, chị Phương còn chờ những loại cổ phiếu “ngon” xuống giá thấp nhất mua vào. Rút kinh nghiệm từ năm trước-khi giá chứng khoán chuyển màu đỏ rực suốt gần hai tháng giữa năm, chị vẫn kiên nhẫn gom những cổ phiếu tiềm năng. Nhờ vậy, chị đã thắng lớn vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Trong mấy ngày gần đây, đến các sàn giao dịch chúng tôi nhận thấy có khá nhiều nhà đầu tư rụt rè mua vào hoặc tạm ngừng cuộc chơi, rút vốn ra đầu tư vào kênh làm ăn khác, nhất là bất động sản. Bên cạnh đó cũng có không ít người gan lì tiếp tục bơi ngược dòng -chờ cổ phiếu tiềm năng xuống kịch sàn là thu vào.
Không chỉ có những nhà đầu tư trong nước có gan gom cổ phiếu “Blues Chips” đang rớt giá, mấy ngày qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm cũng mua nhiều hơn bán. Điều này cho thấy, tính chuyên nghiệp đang dần hình thành và những kiểu “mua non, bán gấp” đang bị loại dần. Anh Hải, giữ xe ở khu vực đường Nguyễn Công Trứ cho biết: “Thời chứng khoán lên cơn sốt, có nhiều nhà đầu tư đi xe hơi chân dính đất đỏ, bùn đen chen chân đến sàn đặt lệnh mua bán. Còn thời gian gần đây hầu như không thấy mặt họ”.
Sự điều chỉnh cơn “triều cường” trái mùa của thị trường chứng khoán sau đợt tăng giá đến đỉnh điểm đã được các chuyên gia kinh tế, tài chính cảnh báo. Tuy chưa có ai nhảy lầu vì chứng khoán hoặc xỉu tại sàn nhưng cuộc chơi khắc nghiệt này đang được nắn theo luật chơi chung. Kẻ ít vốn, yếu bóng vía sẽ bị loại ra khỏi sàn chơi.
Th.s Đinh Thế Hiển, giảng viên Trung tâm đào tạo Ngân hàng chứng khoán ĐH Kinh tế cho rằng tình hình chập chờn về giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch biểu hiện sự dao động của các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư cá nhân, vốn nhỏ. Nhưng về bản chất đó là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ đi vào giai đoạn suy thoái. Mặc dù các chuyên gia sử dụng các thuật ngữ “ thị trường đang được điều chỉnh” nhưng đây sẽ là đợt suy thoái với chỉ số Index giảm hơn 20% trong một thời gian ngắn. |
KHÁNH HÀ