Khi doanh nghiệp vì cộng đồng

Ngày 17-12, Diễn đàn doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Tài nguyên - Môi trường cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cũng đã chính thức ra mắt. Hội đồng do TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI và ông Gary Schutz, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam làm đồng chủ tịch. Trong số các công ty thành viên sáng lập của hội đồng có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và nước ngoài như Holcim Việt Nam, Unilever, Shell Việt Nam, APCO, Roll-Royce Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản, FPT, Tổng Công ty Chứng khoán TPHCM… TS Đoàn Duy Khương cho biết, hội đồng sẽ là diễn đàn đa chiều, đa phương để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và cùng với các doanh nghiệp nước ngoài cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “Với 3 cấu thành cơ bản: môi trường bền vững, xã hội bền vững và kinh tế bền vững; phát triển bền vững đã và đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu và là những nội dung chính được các quốc gia và doanh nghiệp chú trọng trong quá trình phát triển của mình”, ông Đoàn Duy Khương khẳng định.

Thực ra, đó là chân lý đã được biết đến từ lâu, nhưng không phải đã được quán triệt ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong bối cảnh một nước đang phát triển như Việt Nam, khi lợi nhuận ngắn hạn nhiều khi làm mờ đi những mục tiêu tốt đẹp lâu dài.

Phát biểu của đại diện một số tên tuổi lớn - những “đế chế kinh tế” có bề dày hoạt động kinh doanh hàng trăm năm - tại diễn đàn khiến người nghe thấm thía rằng, tầm nhìn thiển cận sẽ phải trả giá rất đắt, trong khi ngược lại, những nỗ lực vì cộng đồng sẽ được đền đáp xứng đáng.

“Trong một doanh nghiệp, cộng đồng không chỉ là một bên liên quan trong kinh doanh, mà trên thực tế còn là mục đích sự tồn tại của kinh doanh”. Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Jamsetji Nusserwanji Tata, người sáng lập “đế chế kinh tế” số 1 của Ấn Độ - Tập đoàn Tata - từ nửa cuối thế kỷ 19, đại diện Tập đoàn Thép Tata khẳng định, phương châm này đã chi phối toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn, bất kể họ hoạt động ở đâu. Người ta cũng không thể quên lời nhà sáng lập dặn dò con trai ngay từ năm 1902 về việc quy hoạch xây dựng thành phố thuộc tập đoàn: “Hãy chắc chắn cây cho bóng mát được trồng ở đường phố rộng, cũng như các loại cây phát triển nhanh chóng khác. Hãy chắc chắn rằng có rất nhiều không gian cho các bãi cỏ và vườn hoa. Dự trữ lớn cho đội khúc côn cầu, bóng đá khu vực và công viên. (Và nhớ) cả khu vực dành cho ngôi đền Ấn Độ, Mohammaden, nhà thờ Hồi giáo và nhà thờ Thiên Chúa giáo”.

Trong khi tình trạng tai nạn lao động - nhất là tại các doanh nghiệp trong ngành xây dựng - tiếp tục được coi là vấn đề bức xúc tại Việt Nam thì Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào khi vừa kỷ niệm 500 ngày làm việc an toàn, không xảy ra bất kỳ một tai nạn nào. Không chỉ thực hiện chặt chẽ “5 quy tắc đỏ” trong bảo đảm an toàn lao động, công ty này còn thường xuyên tổ chức đào tạo về an toàn lao động cho cán bộ nhân viên của mình, các nhà thầu và cộng đồng dân cư xung quanh… Khuyến khích tối đa việc sử dụng xi măng tái chế, bởi các chuyên gia đã tính toán, 10% xi măng tái chế đối với 1 dự án lớn (sử dụng 100.000m3 xi măng) tương đương một khu rừng nhiệt đới với 3.500 cây xanh trong 40 năm để hạn chế khí thải CO2...

Đúng như TS Đoàn Duy Khương đã nhận xét tại cuộc hội thảo, các doanh nghiệp VN rất nên tận dụng những kinh nghiệm quý báu về phát triển bền vững từ những tập đoàn, công ty đa quốc gia như thế.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục