“Trước đây bảo không có hộ tiêu thụ khí, nay các hộ tiêu thụ đầy ra. Mong da diết anh Thăng (Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT), anh Cảnh (Trần Cảnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PetroVietnam) đưa khí vào bờ mà vẫn thiếu”. Ngày 12-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo PetroVietnam.
Đất nước chờ dầu, dân mong khí
Ý kiến của Phó Thủ tướng được đưa ra sau khi lãnh đạo Tập đoàn PetroVietnam đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí. Theo chiến lược đã được Bộ Chính trị phê duyệt, sản lượng dầu khí khai thác từ năm 2006 trở đi năm sau cao hơn năm trước. Thế nhưng, năm nay, chắc chắn lượng dầu thô khai thác không đạt 17,5 triệu tấn như kế hoạch.
Sang năm, có thể lượng dầu khai thác chỉ còn 16 triệu tấn. Trong khi, thu ngân sách trông chờ khá nhiều vào sản lượng dầu thô. Lớn hơn là vấn đề bảo đảm cân bằng an ninh năng lượng cho đất nước. Một số mỏ dầu lớn đang cạn dần. Mỏ Sư Tử Trắng báo cáo ban đầu trữ lượng rất lớn, thực đi vào khai thác được rất ít do địa chất phức tạp.
Tình hình khai thác khí cũng không sáng sủa hơn. Ủy viên HĐQT PetroVietnam Đỗ Văn Đạo cho biết, từ năm nay trở đi đã bắt đầu thiếu khí. Sau 2010, nguồn khí mới được bổ sung đáng kể nhưng vẫn thiếu.
Phó Thủ tướng băn khoăn, “Ban chỉ đạo nhà nước về các dự án trọng điểm đã ban hành đủ cơ chế, vướng gì, đã gỡ, tại sao các dự án bị chững lại?” Điện Cà Mau, Nhơn Trạch thậm chí còn bị chậm tiến độ. Một số nhà máy điện chạy khí quy mô lớn đang xây dựng, nếu không bảo đảm đủ khí thì lấy gì để phát điện? Đó là chưa kể đến việc phụ thuộc vào khí nhập khẩu đang khiến giá gas trong nước cao chót vót, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.
Phi cơ chế đặc thù, bất thành công
Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng thẳng thắn nhìn nhận: Nếu tiếp tục thực hiện theo cơ chế, chính sách, quy trình như hiện nay thì sẽ không thể mua được mỏ dầu của nước ngoài, các dự án trọng điểm không thể hoàn thành đúng tiến độ. Ví dụ, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã đồng ý chi 2 tỷ USD mua mỏ dầu (trữ lượng khoảng 60 triệu tấn ở Kazakstan) nhưng khi sang đó, giá mỏ bị đẩy lên 2,1 tỷ USD, tập đoàn không được quyết mà phải báo cáo, xin phép theo đúng quy trình, vậy là đối tác Trung Quốc mua mất. Còn các dự án trọng điểm hay mua mỏ, theo ông Thăng, nếu áp dụng theo Luật Đấu thầu, xây dựng cơ bản như với các công trình ở trên bờ thì không thểâ làm nhanh được.
Đại diện của hầu hết các bộ và của PetroVietnam đều cho rằng phi cơ chế đặc thù cho dầu khí thì không thể triển khai nhanh các dự án được, không thể đột phá tăng tốc. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, vốn giải ngân cho các dự án của PetroVietnam mới đạt 32,3 ngàn tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm. PetroVietnam ra đời cùng thời điểm với Tập đoàn Petronas của Malaysia, có cùng điều kiện như vậy nhưng hiện tập đoàn này đã đạt doanh thu trên 40 tỷ USD/năm, cao gấp 4 lần doanh thu của PetroVietnam. Sự tụt hậu này, theo ông Thăng chính là vì cơ chế.
Vì tình trạng trên, Phó Thủ tướng rất băn khoăn về việc năm 2008 liệu tập đoàn này có tiêu hết 80 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng không. Mà, nói như đại diện các bộ thì chỉ cần một chỉ tiêu của tập đoàn có doanh thu trên 11 tỷ USD/năm này không đạt, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP cũng như vấn đề bảo đảm an ninh cung cấp điện, năng lượng cho đất nước.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu tập đoàn xây dựng, trình cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ xem xét, ban hành cho dầu khí thực hiện. Mặt khác, PetroVietnam phải quyết liệt thay đổi cung cách điều hành, triệt để phân cấp theo nguyên tắc ai làm tốt phân cấp nhiều, không làm được thì thay thế. Chính phủ cũng sẽ tăng phân cấp cho PetroVietnam để tăng tốc thành công. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý là phải đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, nhất là phải nhanh chóng mua mỏ ở nước ngoài để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
NAM QUỐC
Dự án lọc dầu Dung Quất phát sinh trên 300 tỷ đồng |