
...Là lúc những người yêu và tâm huyết với nghệ thuật ca trù phải đối mặt với "trăm mối tơ vò", với những thực trạng ngổn ngang đầy bất trắc của một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đang trong "buổi chiều tà". Liên hoan ca trù toàn quốc 2005 tuy chưa phải là cuộc "tổng kiểm kê" lực lượng, nhưng cũng đã phần nào gợi mở hình dung của nghệ thuật ca trù trong đời sống hôm nay.

Nghệ sĩ Thúy Hòa biểu diễn
tại liên hoan.
Có cả khung cảnh một buổi bình thơ mang đậm không khí cổ xưa mà thi nhân là chính các nhà thơ đang được nhiều bạn đọc yêu mến, phẩm bình và nghe diễn xướng những câu thơ cổ, cùng một số bài thơ mới. Lạ và độc đáo, ngay hình thức tổ chức của liên hoan đã tạo sức hấp dẫn với nhiều người, trong đó có không ít khách nước ngoài đang du lịch ở Việt Nam.
Qua hai đợt thi, liên hoan thu hút 99 thí sinh tham gia với nhiều thành phần, lứa tuổi, từ các lão nghệ nhân 96 tuổi (Nghệ An), 83 tuổi (Hà Tĩnh) cùng nhiều nghệ nhân độ tuổi 69 đến 80, cho tới các cháu bé mới tám tuổi (Hà Tây), và 11 tuổi ( Hà Nội). Trên thực tế, đây là cuộc "sát hạch" của lớp đào tạo diễn viên ca trù trẻ toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thông tin) kết hợp với Quỹ Ford tổ chức trong hai tháng cuối năm 2002.
Những người tổ chức, theo lời một thành viên ban tổ chức, chưa đủ sức để tìm đủ các câu lạc bộ ca trù đang hoạt động, nên chỉ gửi giấy mời đến 20 câu lạc bộ ca trù đã tham gia dự án đào tạo trên. Chính vì điều này, bên lề liên hoan, nhiều nhà nghiên cứu tỏ ý tiếc nuối khi một hoạt động được tổ chức tầm cỡ, quy mô nhưng lại nặng tính phong trào, trong khi, còn rất nhiều cụ già lão luyện về ca trù đang mai danh ẩn tích, với vốn liếng đang mai một đi ở các làng quê lại không được chú ý.
Ðoạt Huy chương vàng tập thể là CLB Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Là con cháu đời thứ bảy của bà Nguyễn Thị Tuyết, một ca nương danh tiếng từng biểu diễn trong chốn cung đình, và đã nhận được nhiều bổng lộc vua ban nhờ tài đàn hát, cụ Mùi và những người trong dòng tộc luôn tâm huyết, sắt son với nghề tổ. Con cháu họ Nguyễn, hễ có năng khiếu, đều phải học hát ca trù.
Hiện CLB của gia đình cụ đang có những giọng hát được nhiều người biết đến như nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hòa, NSƯT Thu Hoài. Hai cháu nội của cụ mới 11 tuổi, Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh đều là những giọng ca nhiều triển vọng, và đều giành được HCV của Liên hoan. Giữa tiếng đàn, nhịp phách rộn ràng, nghệ nhân già vẫn đau đáu với nỗi niềm khắc khoải:
Nghệ thuật ca trù có tới hơn 70 làn điệu, nhưng dù cố công gìn giữ, gia đình tôi cũng chỉ còn hơn 20 làn điệu. Ðó thật sự là những làn điệu cổ, nguyên gốc, chúng tôi còn giữ được và cả sưu tầm trong dân gian, ở các "nôi" ca trù. Nhưng ở nhiều nơi, bây giờ, người ta hát ca trù lạc giọng lắm. Có lẽ, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho nghệ thuật ca trù. Ðã có nhà hát chèo, tuồng, cải lương, sao không có một nhà hát, chỉ cần nhỏ thôi, cho riêng ca trù. Có thế thì ta mới giữ được ca trù đúng bản sắc của nó.
Có lẽ, đó không chỉ là nỗi băn khoăn của riêng nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Ngay chính từ chiếc chiếu của Liên hoan, những người làm nghệ thuật có dịp nhận biết và kiểm chứng một thực trạng: ca trù đang bị lai tạp. Có những câu lạc bộ có tiếng, và rất tích cực trong việc quảng bá nghệ thuật ca trù, lại biểu diễn một lối hát pha trộn. Thậm chí, có cả ảnh hưởng của tân nhạc. Người xưa biểu diễn ca trù cũng đã từng có sự vay mượn làn điệu của các loại hình nghệ thuật khác, nhưng đều được "ca trù hóa" khéo léo, bài bản, trên một trình độ nghệ thuật cao, và vẫn đặt những bài đó vào một "khoảnh" riêng trong ca trù, như một sự khoe tài lắp khéo, một sự đùa bỡn của những nghệ nhân lão luyện.
Với những gì còn sót lại của nghệ thuật ca trù hiện nay, chưa chắc các nghệ nhân đã đủ bản lĩnh để biến tấu ca trù bài bản và hợp lý. Trong khi, cách làm như hiện nay ở nhiều nơi, chính những nỗ lực của những người làm ca trù lại đang góp phần tàn phá nốt bản sắc đài các, cao sang của một nghệ thuật tinh luyện. Thay mặt cho Hội đồng giám khảo Liên hoan, PGS.TS Vũ Nhật Thăng đã phải phát đi lời kêu gọi: Các CLB hãy cố gắng bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của nghệ thuật ca trù.
Phục hồi và bảo tồn, đó là những đòi hỏi bức thiết để có thể lưu giữ được những giá trị tinh túy của nghệ thuật ca trù. Liên hoan ca trù toàn quốc 2005 có ý nghĩa cổ vũ, động viên rất lớn với các nghệ sĩ đang nặng lòng với nhịp phách, tiếng đàn. Nhưng để nghệ thuật ca trù có được vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật dân tộc, cần có sự đầu tư, nghiên cứu một cách hệ thống, sâu sắc, xuất phát từ những giá trị còn lưu giữ được trong dân gian. Trong khi chờ đợi những cách làm bài bản và khoa học, ca trù đang lặng lẽ khuất dần, chìm vào dĩ vãng sau những lũy tre xanh, cùng với sự ra đi của những nghệ nhân lẫy lừng từng một thời rộn ràng trống, phách.
Kết thúc hai đợt thi, có 14 đào nương được trao huy chương vàng. Ba CLB đoạt huy chương vàng tập thể là CLB Ca trù Hội VNDG TP Hải Phòng, CLB ca múa nhạc dân gian Trung tâm VHTT tỉnh Thanh Hóa và CLB ca trù Thái Hà (Hà Nội). Ðào nương Nguyễn Khánh Linh (tám tuổi, CLB ca trù thôn Ngãi Cầu, Hoài Ðức, Hà Tây) đoạt giải Diễn viên trẻ triển vọng. Ðào nương Ðoàn Thị Chinh (CLB ca trù Trung tâm VHTT tỉnh Hải Dương) được bầu chọn nhận xiêm áo của Ban tổ chức.
V.Q (Theo Nhân Dân)