Khi truyền thông bóp méo sự thật

Kể từ khi xảy ra các biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi từ cuối năm 2010 đến nay, trên các phương tiện truyền thông đều xuất hiện những bản tin về các cuộc xung đột, biểu tình đẫm máu diễn ra từ Ai Cập, Tunisia, Yemen đến Syria, Libya. Nhưng những gì người dân trên thế giới đọc, nghe hàng ngày liệu có bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Những nhận định của ông Ilyas Umakhanov, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, đưa ra vào ngày 21-9 đã làm nhiều hãng truyền thông trên thế giới chột dạ. Theo ông Ilyas, các phương tiện truyền thông phương Tây đã bóp méo tình hình tại Syria. Theo Ria Novosti, những gì mà các phóng viên Nga và đồng nghiệp nước ngoài thấy là hình ảnh người dân vẫn đi lại bình thường trên những con đường, các cửa hàng vẫn mở, trẻ em vẫn đến trường, trái ngược với hình ảnh những cuộc trấn áp người biểu tình đẫm máu của Chính phủ Syria trên các phương tiện truyền thông phương Tây.
 
Câu hỏi được đặt ra là có phải các phương tiện truyền thông phương Tây đưa ra nhận định sai lệch tình hình Syria nhằm mục đích phục vụ lợi ích sâu xa của các nhà cầm quyền phương Tây, muốn lật đổ các nhà lãnh đạo “cứng đầu” để dựng nên một chính phủ mới “dễ bảo” hơn? Việc các hãng truyền thông phương Tây đã lấy thông tin, hình ảnh trên các trang mạng xã hội ghi lại những vụ xung đột, biểu tình tại Arập, để làm cơ sở cho các bài viết, bản tin mà không kiểm chứng xác thực, hoặc bỏ qua khâu kiểm chứng là sự vội vã hay sự phục vụ có chủ đích?

Một tiết lộ bất ngờ của Wikileaks cho thấy, không chỉ riêng các hãng tin phương Tây, Al Jazzera, một hãng tin của Arập, cũng đã trở thành công cụ phục vụ cho giới chức trách Mỹ. Ông Wadah Khanfar, cựu Giám đốc kênh truyền hình Al Jazeera, từng nhắc đến nỗ lực “hạ giọng” và loại bỏ một số nội dung bất lợi cho Mỹ sau cuộc gặp với quan chức Đại sứ quán tại Qatar. Trong thời gian qua, Al Jazeera liên tục cập nhật thông tin về cuộc cách mạng Mùa xuân Arập trên khắp Trung Đông với những hình ảnh người biểu tình, xung đột tràn ngập các đường phố Tunisia, Ai Cập và Libya, rất giống với giọng điệu của Mỹ.

Đáp lại thắc mắc của nhiều độc giả trung thành của Al Jazeera, tờ Foreign Policy kết luận: “Không nên quá thắc mắc với cách đưa tin của AL Jazeera bởi đơn giản, kênh truyền hình này đã là cái loa phát thanh của chính quyền Mỹ”.

Chỉ cách đây vài năm, bài học về vũ khí hủy diệt phát hiện tại Iraq đã làm giới truyền thông Mỹ phải xấu hổ. Tháng 5-2004, tờ New York Times, đã đăng lời cáo lỗi độc giả do đã thông tin sai lệch về vũ khí hủy diệt của Iraq. Tờ báo vẫn được coi là có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên toàn nước Mỹ thú nhận rằng, Chính phủ Mỹ đã gây áp lực khiến họ phải đăng tải những cáo buộc vô căn cứ nhằm biện minh cho cuộc chiến tranh Iraq. Vào thời điểm đó, không chỉ riêng New York Times, hàng loạt các tờ báo đã đăng tải thông tin dối trá này để làm người dân Mỹ ủng hộ một cuộc chiến tranh tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người.

 Thông tin đăng tải trên báo chí được chuyển đến rất nhiều người và có thể gây ra những tác động xã hội to lớn. Dù được chọn để trở thành những người đưa thông tin đúng sự thật, nhiều phương tiện truyền thông đã bỏ qua đạo đức nghề nghiệp để trở thành công cụ phục vụ cho những mưu toan chính trị. Sự thật sẽ được phơi bày nhưng dưới những ngòi bút bị bóp méo, hậu quả khôn lường xảy ra mà không thể kiểm soát mới là điều đáng nói.


THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục