Khiếu nại việc bị cạnh tranh không lành mạnh

Lâu nay, có không ít doanh nghiệp (DN) thực hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Để bảo vệ các DN làm ăn chân chính, pháp luật đã có những quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quy định thủ tục khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Lâu nay, có không ít doanh nghiệp (DN) thực hiện nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Để bảo vệ các DN làm ăn chân chính, pháp luật đã có những quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quy định thủ tục khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Điều 3 và Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của DN trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác hoặc người tiêu dùng. Cụ thể là: chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha DN khác, gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội, bán hàng đa cấp bất chính. Trên cơ sở đó, khi một tổ chức hoặc cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do các hành vi trên gây ra, thì có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh, trong trường hợp này là Cục Quản lý cạnh tranh.

Đơn khiếu nại về hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải có các nội dung chính sau: Ngày làm đơn khiếu nại; tên và địa chỉ của bên khiếu nại và bên bị khiếu nại; tên và địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu có); những vấn đề cụ thể yêu cầu cơ quan quản lý cạnh tranh giải quyết; tên và địa chỉ người làm chứng (nếu có); chứng cứ để chứng minh đơn khiếu nại là có căn cứ hợp pháp; các thông tin khác mà bên khiếu nại xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ việc cạnh tranh. Cuối đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của bên khiếu nại trong trường hợp bên khiếu nại là cá nhân; chữ ký và dấu của đại diện hợp pháp của bên khiếu nại trong trường hợp bên khiếu nại là tổ chức.

Sau khi hồ sơ của bên khiếu nại được thụ lý, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ thông báo cho bên khiếu nại nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh. Bên khiếu nại phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tạm ứng phí này trong vòng 15 ngày. Mức tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 3 triệu đồng. Thời hạn để cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 180 ngày, trong đó 30 ngày đầu tiên là thực hiện việc điều tra sơ bộ nhằm kiểm tra có hay không dấu hiệu vi phạm hành vi cạnh trạnh không lành mạnh. Khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Thời hạn tối đa để cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh là 150 ngày.

Kết quả của việc xử lý khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của cơ quan quản lý cạnh tranh. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không bị khiếu nại.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục