Khổ bởi đào đường

Sống chung với bụi
Khổ bởi đào đường

Tại TPHCM, cùng với việc rào chắn đường để thi công công trình chống ngập với quy mô lớn ở quận 5, quận 6…, từ đầu tháng 11 còn có nhiều công trình đào đường để ngầm hóa cáp điện, cáp thông tin, cấp nước. Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều người dân TPHCM than phiền về việc thi công cẩu thả, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của người dân và trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Sống chung với bụi

Con hẻm số 20TK đường Nguyễn Cảnh Chân (phường Cầu Kho, quận 1) là hẻm nhỏ, đa số người sống ở đây là giới lao động. Chị Hà Phấn, một cư dân ở đây, phản ánh: “Con hẻm đang bình yên, bỗng dưng sáng nọ dắt xe ra đưa con đi học thì thấy lằn phui đào đường để chôn ống cấp nước như một vết cắt kéo dài suốt con hẻm, cát đá lổn nhổn. Phụ nữ tay yếu chân mềm, dẫn xe ra khó khăn, lạng quạng là lọt xuống ngay, vì công nhân tái lập mặt hẻm sơ sài, không trả lại bằng phẳng như nguyên trạng, lằn phui lõm sâu xuống như một cái hố. Tình trạng này kéo dài mấy hôm liền, dắt xe ra vào nhà rất cực, có người phải gửi xe ở nhà người quen ngoài đường, rồi chịu khó đi bộ về nhà”. Tiếp sau đó, các con hẻm liên thông như hẻm 18 và 19 cũng cùng chung số phận: tái lập sơ sài, cát đá đổ từng đống dọc con hẻm, khi trời nắng bụi đất tung mù mịt.

Cũng qua thông tin từ bạn đọc phản ánh, sáng 17-11, PV Báo SGGP đã đến đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) để chứng kiến việc thi công đào đường cẩu thả làm phiền dân. Đã hơn 7 giờ sáng, công trường đào đặt cáp điện lực trên vỉa hè đã tái lập mặt vỉa hè đào đêm hôm trước, nhưng vẫn còn bề bộn như manh áo vá. Đoạn tái lập “chu đáo” nhất cũng chỉ là lấp sơ sài bằng cát, rồi đặt vội các viên gạch tarrazo lên. Một công nhân có vẻ phờ phạc, nói: “Tái lập tạm thôi! Mai mới tráng xi măng”. Cách đó không xa, cả gần chục mét vỉa hè chỉ mới được đổ cát lên lằn phui đào, chưa kịp san bằng và đặt gạch. Một chủ tiệm bán quần áo thể thao ở đây lắc đầu, nói: “Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng phải đến sớm quét dọn, tưới nước vỉa hè; gạch đá lổn nhổn kiểu này làm sao buôn bán!”.

Những cảnh tái lập mặt đường và vỉa hè bê bối như vậy không chỉ ở khu vực quận 1, mà theo phản ánh của người dân và ghi nhận của chúng tôi, còn xảy ra ở đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), khu vực Bình Quới (quận Bình Thạnh) Đoàn Văn Bơ (quận 4…

Thi công xong, không tái lập mặt vỉa hè trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1 (Ảnh chụp lúc 7 giờ sáng ngày 19-11-2015)

Lờn thuốc?

Ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Các công trình đào vỉa hè kéo cáp điện lực đều thuộc các hạng mục ngầm hóa theo tiến độ công trình ngầm hóa năm 2014-2015. Công trình ở đường Huyền Trân Công Chúa do Công ty Trọng Nghĩa thi công; công trình ở đường Tôn Đức Thắng - Ngô Văn Năm do Công ty Sao Nam thi công; công trình quanh Công viên 23 Tháng 9 do Công ty Thoát nước đô thị thi công… Phía Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) cũng phạt rất gắt các đơn vị vi phạm. Với trách nhiệm chủ đầu tư, khi báo chí và dư luận phản ánh, chúng tôi đều mời đơn vị thi công lên làm việc, nhắc nhở; nếu vi phạm nghiêm trọng, sẽ xử phạt theo hợp đồng, thậm chí là buộc ngưng thi công để khắc phục”.

Được biết, từ đầu tháng 11-2015 đến nay, Sở GT-VT đã phạt 39 doanh nghiệp thi công đào đường có các vi phạm, như: không hoàn trả phần đường đúng quy định; không treo bảng thông tin công trình, hoặc có biển báo nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định; không thu dọn rào chắn, phương tiện vật dụng sau khi thi công… Công bằng mà nói, việc kiểm tra, xử phạt các vi phạm trong thi công đào đường thời gian gần đây khá “rát”, bằng chứng là số đơn vị thi công bị lập biên bản, số tiền nộp phạt khá cao. Từ đầu năm 2015 đến nay, Đội Thanh tra giao thông Số 1 (thuộc Thanh tra Sở GT-VT TPHCM) đã phạt các đơn vị sai phạm trong thi công đào đường với tổng số tiền phạt lên đến hơn 5,3 tỷ đồng. Thế nhưng tại sao sai phạm vẫn tiếp tục diễn ra? Phải chăng các đơn vị thi công đã “lờn thuốc”? Các lãnh đạo đơn vị chuyên thi công đào đường đều giãi bày rằng với các doanh nghiệp, có công trình thi công là mừng, nên chẳng ai muốn bị ngưng thi công hay phạt vạ gì. Cái chính là phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở anh em. Đội trưởng hay cán bộ giám sát mà lơ là, thì y rằng là có chuyện.

Trong mùa khô tới đây, sẽ còn có thêm nhiều công trình đào đường, đào hẻm được khởi động trên địa bàn TPHCM. Để tránh xảy ra những phiền toái gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc làm ăn của người dân, đòi hỏi chủ đầu tư phải chọn đúng các nhà thầu thi công chuyên nghiệp, có năng lực. Ngoài lực lượng thanh tra giao thông, không thể thiếu vắng trách nhiệm của chính quyền địa phương và vai trò giám sát của người dân: kịp thời phát hiện các sai phạm để yêu cầu cơ quan chức năng cảnh báo, xử phạt, thậm chí đề nghị ngưng thi công nếu cần thiết.

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục